Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẹn nguyên giá trị

Thế Đan| 17/10/2018 06:26

(HNM) - Trước những đòi hỏi mới của đất nước, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TƯ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.


Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, 20 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết để đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm nhất quán trong thực hiện “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ do Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 16-10, báo cáo của Thành ủy cho thấy, đến nay, 8 loại hình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã được kiên trì triển khai và mang lại hiệu quả rõ rệt. Việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở thành phố; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, TP Hà Nội đã thực hiện Quy chế dân chủ trong vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của đất nước cũng như đặc thù của Thủ đô, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian tới đòi hỏi phải có những điều chỉnh phù hợp.

Trước hết, phải làm sao để việc thực hiện Quy chế dân chủ và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội. Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ, phải chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, kích động gây rối, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của nhân dân.

Tiếp đến, các cơ quan hành chính, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại, quan tâm giải quyết những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Ngay cả trường hợp chính sách, pháp luật đúng mà nhân dân chưa hiểu, chưa đồng tình thì cũng phải ra sức tuyên truyền, vận động, giải thích, không vội vàng gò ép, áp đặt.

Cùng với đó, một trong những yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là đề cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của nhân dân, giúp người dân tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp theo quy định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Lời dạy ấy của Người vẫn vẹn nguyên tính thời sự, đồng thời là trách nhiệm nặng nề của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, của người đứng đầu, của tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẹn nguyên giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.