Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động và rõ trách nhiệm

Chí Kiên| 22/10/2018 06:36

(HNM) - Vi phạm pháp luật đê điều là vấn đề nhức nhối, được đề cập năm này qua năm khác, nhưng việc ngăn chặn, xử lý trên thực tế như

Bên cạnh những vụ việc từ các năm trước còn tồn lại, trong 170 vụ vi phạm pháp luật đê điều phát sinh trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay, chủ yếu là xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ; chiếm dụng mái đê, hành lang đê để dựng lều quán, nhà xưởng, làm lối đi... Đây là những vi phạm uy hiếp trực tiếp an toàn đê điều, hành lang thoát lũ. Nghiêm trọng hơn còn đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân, mỗi khi có lũ về.

Câu hỏi đặt ra là UBND thành phố và ngành chức năng liên tục có văn bản chỉ đạo sát sao, yêu cầu xử lý nghiêm khắc, dứt điểm, nhưng vì sao vi phạm pháp luật đê điều vẫn phát sinh, chưa được ngăn chặn triệt để? Thực tế, có nguyên nhân khách quan, hay quen gọi "do lịch sử để lại", là có những hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong hành lang đê; nhiều khu dân cư đã sinh sống lâu đời ngoài bãi sông, trong hành lang thoát lũ...

Nhưng về chủ quan và chủ yếu hơn chính là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý đê điều và chính quyền các cấp trong ngăn chặn, xử lý vi phạm. Có một thực tế vẫn tồn tại là trong khi cơ quan quản lý đê điều cứ miệt mài với nhiệm vụ lập biên bản, kiến nghị thì cấp chính quyền cơ sở lại thờ ơ, không cương quyết xử lý vi phạm. Trong khi đó, không ít người còn tỏ ra “vô tư” không hay biết công trình xây dựng của mình vi phạm pháp luật về đê điều. Thậm chí, biết nhưng bất chấp pháp luật, có hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn.

Rõ ràng, việc ngăn chặn hành vi xâm hại đê điều phát sinh mới phải là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, liên tục; bên cạnh đó là từng bước tìm cách tháo gỡ, xử lý những vi phạm còn tồn tại. Nhìn vào thực tế xử lý vi phạm đê điều thời gian qua có thể thấy, trước tiên phải đề cao trách nhiệm của các bên liên quan, cá nhân trực tiếp thực thi nhiệm vụ, người đứng đầu chính quyền địa phương. Sự phối hợp phải đi vào thực chất, hiệu quả, tránh "mạnh ai nấy làm", không rõ người, không rõ việc, không rõ trách nhiệm. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra nhiều vi phạm, không xử lý kịp thời.

Hiện các văn bản pháp quy liên quan đến xử lý vi phạm đê điều đã có và được hệ thống hóa khá đầy đủ, trong đó phải kể đến Nghị định 104/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Nghị định quy định rõ các hành vi vi phạm với mức xử phạt tương ứng, trong đó mức tối đa là 100 triệu đồng. Đây là những mức phạt bảo đảm sự răn đe, nhưng đòi hỏi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải thực hiện nghiêm, kiên quyết, không xử lý vi phạm kiểu "nửa vời" hay "bắt cóc bỏ đĩa".

Công tác tuyên truyền vẫn có vai trò quan trọng, nhưng phải dễ hiểu, thường xuyên, đến tận hộ dân. Qua đó, để người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành pháp luật đê điều, nhất là với các hộ dân đang sinh sống ven sông, ven đê.

Thiên tai vốn khó lường. Việc chủ động bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, trong đó có việc ngăn chặn từ sớm, xử lý nghiêm minh vi phạm đê điều là nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, hệ thống đê điều Hà Nội thật sự là "tấm lá chắn" vững vàng bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân Thủ đô trước thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động và rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.