Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài toán liên kết chuỗi

Gia Khánh| 24/10/2018 06:16

(HNM) - Việt Nam tham gia ngày càng sâu, rộng vào các hiệp định thương mại quốc tế. Bên cạnh những lợi thế mà doanh nghiệp được hưởng thì cũng có không ít điều kiện buộc doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ.


TP Hà Nội hiện là địa phương có nhiều làng nghề thủ công nhất cả nước. Những cái tên như: Gốm sứ Bát Tràng, khảm trai Chuyên Mỹ, mây tre đan Phú Vinh, tranh thêu Quất Động... Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, nhiều làng nghề của Hà Nội có sản phẩm xuất khẩu, với tổng kim ngạch 9 tháng năm 2018 đạt 154 triệu USD. Tiềm năng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung rất lớn, song tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng lại diễn ra trên diện rộng.

Nguyên nhân, một mặt do nhu cầu sản xuất gia tăng từng năm, mặt khác vùng sản xuất nguyên liệu truyền thống ngày càng thu hẹp, bị khai thác tràn lan, song công tác quản lý phát triển mới lại lỏng lẻo. Vì vậy, nếu trước đây, hàng thủ công mỹ nghệ chủ yếu được sản xuất bằng nguồn nguyên liệu trong nước thì đến nay phải nhập khẩu 50%. Từ đó dẫn đến sự không ổn định về nguồn nguyên liệu, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của các cơ sở làng nghề. Đồng thời, các cơ sở sản xuất đứng trước nguy cơ có thể bị phạt, hàng hóa xuất khẩu bị trả lại nếu không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của nguyên liệu.

Để tháo gỡ khó khăn và bảo đảm sự phát triển ổn định cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề thủ công về nguồn nguyên liệu, những năm qua, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung - cầu nguồn nguyên liệu; trong đó tập trung vào những nguyên liệu khan hiếm, phải nhập khẩu, đòi hỏi phải có chứng nhận xuất xứ. Đơn cử như mới đây, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc đã thống nhất triển khai chương trình hỗ trợ nguyên liệu đầu vào cho ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Từ khi có chương trình này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể chủ động hơn nguồn nguyên liệu đầu vào để đáp ứng yêu cầu các hợp đồng đặt hàng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét.

Tuy nhiên, cũng từ chương trình, có thể thấy, ngoài việc tổ chức kết nối từ cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương, chính các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chủ động đầu tư cho việc tái tạo, phát triển vùng nguyên liệu, để bảo đảm sự ổn định, bền vững.

Quá trình này, rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, bởi hầu hết doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế; trong khi để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đòi hỏi thời gian dài, nguồn vốn lớn. Việc hỗ trợ đầu tư vùng nguyên liệu có thể mang lại lợi ích kép. Thứ nhất, đương nhiên doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất. Thứ hai, việc phát triển vùng nguyên liệu giúp địa phương phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo đảm tài nguyên sinh thái, cảnh quan.

Cùng với cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, nên chăng có chính sách khuyến khích người dân địa phương vùng nguyên liệu tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng theo đúng các điều kiện của vùng nguyên liệu (về nguồn gốc, xuất xứ, điều kiện thu hoạch). Chính sách khuyến khích này có thể là hỗ trợ trực tiếp về vốn, về công nghệ, giống cây, cũng có thể là việc hình thành mối liên kết doanh nghiệp - người dân (hỗ trợ gián tiếp) để người dân địa phương yên tâm sản xuất.

Liên kết chuỗi sản xuất, tạo sức mạnh tập thể cũng là phương thức phát triển lâu dài, bền vững, bảo đảm các điều kiện xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán liên kết chuỗi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.