Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm sự giám sát của nhân dân

Đan Nhiễm| 26/10/2018 06:40

(HNM) - Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 sau hơn 13 năm thực hiện - đặc biệt là trong khoảng 3 năm trở lại đây - đã củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước về quyết tâm chống tham nhũng. Nỗ lực ấy cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Tuy nhiên, những bước tiến trong phòng, chống tham nhũng là chưa đủ khi một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm. Điển hình như nhiều vụ việc tham nhũng, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước nhưng khó được thu hồi. Vì thế, việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng bảo đảm sự nghiêm minh, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn, chuẩn bị phê chuẩn là cần thiết.

Lâu nay, vấn đề làm thế nào để có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu lực, hiệu quả với nhóm cán bộ có chức, có quyền - địa hạt dễ phát sinh tham nhũng đã được Đảng ta đặt ra. Nói cụ thể, vấn đề quyền lực và trách nhiệm được thực thi và vận hành trong điều kiện dân chủ và pháp trị. Kiểm soát từ bên trong tới toàn dân kiểm soát; kiểm soát từ trên xuống và giám sát từ dưới lên, một cách công khai, minh bạch. Suy cho cùng là, quyền lực phải gắn với trách nhiệm một cách dân chủ và kỷ luật, theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Càng phát triển cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, càng phải kiểm soát quyền lực, càng phải đề cao và thượng tôn pháp luật.

Dự luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) ở thời điểm này, nếu so sánh với bản dự thảo được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm đã có thay đổi. Nhưng ngay cả như vậy thì tính hiệu lực của dự luật vẫn có một số điểm đáng suy nghĩ. Bởi, nếu không có cơ chế táo bạo, quyết liệt, cho phép xử lý triệt để vấn đề tài sản bất minh, tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý, hợp pháp thì động lực của tham nhũng vẫn còn; những quy định mới về công khai, minh bạch, kiểm soát xung đột lợi ích, về việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng… vẫn đứng trước nguy cơ bị vô hiệu hóa. Đặc biệt, khi việc thu hồi tài sản có dấu hiệu tham nhũng được “chuyển hóa” qua người thân các đối tượng tham nhũng có nhiều diễn biến bất thường.

Vì thế, có hình thành được một cơ chế pháp lý mang tính “cách mạng” cho phép thu hồi triệt để tài sản tham nhũng và quan trọng hơn nữa là triệt tiêu được động lực của tham nhũng là trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội. Và một cơ chế như vậy phải được thiết lập trên hai trụ cột. Một là, thông qua tòa án cho phép tịch thu toàn bộ tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý, trong điều kiện chưa thể áp dụng đối với toàn dân thì trước hết, phải áp dụng đối với cán bộ quản lý, công chức và người thân bao gồm vợ/chồng, con cái, anh em ruột, bố mẹ vợ/chồng. Hai là, luật hóa một điều khoản đặt nền móng cho việc kê khai, xây dựng cơ sở dữ liệu để có thể kiểm soát được “di biến động” về tài sản của toàn xã hội. Tài sản của quan chức, thu nhập cũng nên được công khai.

Ngoài ra, cùng với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, phải tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm sự giám sát chặt chẽ từ phía người dân. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương".

Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm… - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định quyết tâm như vậy trong nhiều cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, cũng như khi tiếp xúc cử tri. Hơn lúc nào hết, lòng dân đang tin vào điều đó! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm sự giám sát của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.