Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế!

Chí Kiên| 27/10/2018 06:39

(HNM) - Những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong thời gian qua là rất đáng mừng. Cụ thể, 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 đều đạt và vượt; đặc biệt, GDP tăng trưởng từ mức trung bình 5,91% (giai đoạn 2011-2015) lên 6,57% (giai đoạn 2016-2018), nợ công, nợ xấu giảm...

Nhìn lại 3 năm (2016-2018), nhất là 2018 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2016-2020), cho thấy nền kinh tế nước ta đã thực hiện thành công mục tiêu kép, đó là vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát. Các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục đạt kết quả tích cực, góp phần tạo điều kiện cho vùng nông thôn, miền núi phát triển; đời sống nhân dân được nâng lên...

Trước hết, phải khẳng định, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thời gian qua đã thể hiện rõ sự quyết liệt, hành động, đổi mới, sáng tạo. Nổi bật là đã cắt giảm một lượng lớn thủ tục hành chính, "giấy phép con", tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, công nhân, nông dân, quan tâm sâu sát đến cơ sở. Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng có bước chuyển tích cực...

Trên đà khởi sắc, các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ các giải pháp để quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đặt ra cho năm 2019, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6,6-6,8%. Ngay từ bây giờ đến hết năm 2018 và năm 2019, những vấn đề nội tại trong các lĩnh vực nóng bỏng như tái cơ cấu nền kinh tế, giao thông, giáo dục, tinh giản biên chế, giảm nghèo, thu ngân sách, phòng, chống tham nhũng... cần phải được nhìn nhận thấu đáo để nhanh chóng đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Thực tế, thách thức của việc bảo đảm cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững là rất lớn. Vì vậy, những tín hiệu khởi sắc cần được duy trì bằng các nỗ lực không ngừng nghỉ của các bộ, ngành, địa phương để cải thiện chất lượng tăng trưởng - chìa khóa cho kinh tế - xã hội năm 2019 và những năm tiếp theo phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Từ góc độ sản xuất, các khu vực dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao phải được thúc đẩy hơn nữa. Để làm tốt điều này, cần tiếp tục tạo cơ chế chính sách và môi trường đầu tư thông thoáng để khu vực kinh tế tư nhân có cơ hội thuận lợi tham gia, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là giữ nhịp thu hút và tận dụng tốt dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bên cạnh đó phải thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo đảm khu vực kinh tế tư nhân giữ tốt vai trò là động lực tăng trưởng.

Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, trong đó phải kể đến việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Đây là thuận lợi để doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Để tận dụng tốt, các doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ kiến thức về FTA để tiếp cận hiệu quả thị trường các nước, mở rộng xuất khẩu hàng hóa.

Ở góc độ địa phương, các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tiếp tục là những vấn đề cần được quan tâm, cải thiện để khắc phục dứt điểm tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Đó cũng là tăng trưởng và phát triển gắn chặt với tái cơ cấu kinh tế thực chất, trong đó động lực quan trọng nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hướng tới tận dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển bền vững bao trùm.

"Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế", việc giữ đà tăng trưởng cần được tiếp tục duy trì với những biện pháp, hành động quyết liệt hơn nữa, qua đó để thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.