Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đô thị xanh, cuộc sống tốt lành

Minh Thúy| 08/11/2018 06:23

(HNM) - Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh (giai đoạn 2016-2020) đã được TP Hà Nội thực hiện trong hơn 2 năm, đến nay đã gần về đích.


Trong khi tốc độ đô thị hóa của Hà Nội ngày càng nhanh, dân số gia tăng không ngừng thì việc cải thiện môi trường là đòi hỏi đương nhiên. Trong khi các giải pháp như hạn chế, giảm các loại phương tiện cá nhân, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất... cần có thời gian, lộ trình thì trồng cây xanh là giải pháp nhanh nhất, thân thiện nhất để mang lại một môi trường sống trong lành.

Vì thế, Chương trình trồng 1 triệu cây xanh thực sự là cú hích, tác động đến nhận thức của nhiều chủ thể trong việc chung tay trồng và bảo vệ cây xanh. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp.

Từ đó đã xuất hiện ngày càng nhiều những hoạt động có ý nghĩa như trồng cây, xanh hóa các điểm chân rác, các tuyến giao thông, kể cả đường nội đồng, liên xã... Màu xanh đã trở thành điểm nhấn đặc trưng cho từng khu vực, nhất là trên những tuyến phố được trồng chủng loại cây mới đồng bộ, không chỉ nâng chất lượng môi sinh mà còn tạo cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại.

Để có được kết quả tích cực đó, việc bảo tồn, gìn giữ, trân trọng cây xanh luôn được thành phố thực hiện nhất quán. Thành phố hành động trên nguyên tắc: "Có đường là có cây xanh"; bảo tồn, chăm sóc các tuyến cây xanh đường phố lâu năm; trồng cây xanh trên các tuyến phố mới mở...

Trong xây dựng những công trình mới, việc "ưu tiên hàng đầu là bảo tồn, di dời cây xanh" được tuân thủ nghiêm ngặt. Đặc biệt, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến nhà khoa học, nhà quản lý, các hội nghề nghiệp và nhân dân, để tìm phương án phát triển cây xanh phù hợp nhất.

Đến thời điểm này có thể khẳng định, Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh chắc chắn sẽ về đích sớm. Tuy vậy, để đến năm 2030, "đưa Thủ đô trở thành thành phố xanh, sạch, cơ bản giải quyết các vấn đề ô nhiễm trong khu vực nội thành cũ, cải thiện môi trường sinh hoạt của người dân Thủ đô" như mục tiêu đặt ra tại Quyết định 1495/QĐ-UBND, ngày 18-3-2014, về phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND thành phố thì các cấp, ngành và địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa.

Hệ thống cây xanh giúp cải thiện đáng kể môi trường không khí. Tuy nhiên, một số khu đô thị ở Hà Nội hiện có diện tích cây xanh còn hạn chế, do vậy, tùy mỗi khu vực, các địa phương phải có giải pháp để xanh hóa không gian. Với những dự án đang triển khai, phải hạn chế tối đa việc chuyển đổi diện tích cây xanh sang mục đích khác. Với dự án mới, phải tuân thủ tuyệt đối quy chuẩn về chỉ tiêu mét vuông cây xanh/người...

Để hiệu quả, các đơn vị quản lý cây xanh cần sớm số hóa toàn bộ dữ liệu về cây nhằm quản lý chặt chẽ và đưa ra định hướng phát triển trên toàn thành phố. Đồng thời, việc trồng cây không chạy theo số lượng mà cần coi trọng kỹ thuật, bảo đảm cây phát triển khỏe mạnh. Về lâu dài, cần có kế hoạch tuyển chọn và sản xuất các loại cây bóng mát theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện nay, diện tích cây xanh tính trên đầu người của Hà Nội còn khiêm tốn nên việc trồng thêm cây xanh là trách nhiệm của toàn dân. Do đó, việc tổ chức phong trào trồng và bảo vệ cây xanh phải thiết thực; đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện những vi phạm với cây xanh để xử lý kịp thời.

Trồng cây không chỉ để mang lại màu xanh cho đô thị. Mục tiêu lâu dài, bền vững việc làm này là vì cuộc sống người dân tốt đẹp hơn!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đô thị xanh, cuộc sống tốt lành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.