Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối mạnh, hiệu quả cao

Hà An| 17/11/2018 06:47

(HNM) - Dù mới chỉ khởi động được hơn một tuần nhưng Tháng khuyến mại Hà Nội 2018 (cũng là năm thứ 10 thành phố triển khai hoạt động này) đã có được những dấu hiệu tích cực nhờ vào hai yếu tố tác động rất rõ nét.


Một là, tính kết nối cao hơn và quan trọng nhất là phương thức tiếp cận đột phá hơn. Có thể nói, đây tiếp tục là những nỗ lực của Hà Nội đối với hoạt động này - một trong những hoạt động có hiệu quả nhằm thực hiện tốt một chủ trương lớn do Bộ Chính trị phát động gần 10 năm trước - cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hà Nội trong nhiều năm qua đã liên tục có nhiều bước đi nhằm đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô, tạo thói quen tiếp cận, sử dụng hàng hóa “Made in Vietnam” một cách thực chất, mang lại lợi ích cho cả đôi bên là người dân và cả nhà sản xuất, kinh doanh.

Thật vậy, Tháng khuyến mại năm nay đã hội tụ được nhiều hơn các thành phần tham gia. Bên cạnh các doanh nghiệp bán lẻ, đã thấy có thêm sự xuất hiện các nhà sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch, ngân hàng... Cùng với phương thức kinh doanh truyền thống thì thương mại điện tử tiếp tục phát huy thế mạnh, phục vụ nhu cầu mua sắm trực tuyến và hơn thế là kết nối doanh nghiệp trong kinh doanh trực tuyến. Đặc biệt, với điểm tựa chính sách là Nghị định 81/2018/NĐ-CP, mức khuyến mại được nâng lên mức tối đa 100% giá trị sản phẩm đã tạo điều kiện cho Tháng khuyến mại sức hút, sức hấp dẫn lớn với người tiêu dùng…

Nhìn nhận Tháng khuyến mại như một hoạt động định kỳ dần hình thành thói quen quan tâm đến hàng Việt, mua sắm hàng Việt và quan trọng nhất là tin tưởng hàng Việt, tạo ra động lực cho cả nhà sản xuất, kinh doanh hàng Việt…, chính là đích đến lâu dài cho hoạt động này.

Vì vậy, ngoài việc thực hiện hiệu quả những đổi mới đã áp dụng trong Tháng khuyến mại hằng năm, để sự kiện phát huy hiệu quả trong lĩnh vực thương mại Thủ đô, đóng góp mạnh mẽ, thiết thực hơn cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, rất cần có thêm những tác động nhiều chiều, nhiều tầm mức, có tính bền vững…

Đó là nhà sản xuất, kinh doanh bảo đảm hàng hóa khuyến mại vẫn phải luôn là hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, không phải là thứ hàng “bán rẻ, bỏ đi”. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương bình ổn giá, đưa những mặt hàng thiết yếu tới người tiêu dùng, nhất là vào dịp cao điểm năm hết Tết đến. Công tác chống hàng giả, hàng lậu được đẩy mạnh cũng sẽ góp phần làm lành mạnh thị trường hàng Việt, bảo vệ cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, phải chú trọng đến các vùng xa, vùng ngoại thành - nơi thị trường bán lẻ còn nhiều dư địa, đẩy lùi hàng hóa kém chất lượng, nhập nhèm nguồn gốc, xuất xứ nhưng dễ thâm nhập nhờ giá rẻ, hàng phong phú, mẫu mã thay đổi liên tục. Đặc biệt, chương trình cũng nên chú trọng các đối tượng đặc thù, đưa hàng Việt chất lượng, giá phù hợp tới lực lượng như: Công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.

Thêm nữa, phải phát huy vai trò của các đơn vị bán lẻ chủ lực, tạo nên dấu ấn cho hoạt động tiêu thụ, sản xuất hàng hóa Việt. Nhìn lại hoạt động Tháng khuyến mại nhiều năm qua càng thấy rõ, chỉ khi nào doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà quản lý cùng nhận thức sâu sắc về việc “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đó tăng cường kết nối hơn về nhiều mặt, thì hoạt động này mới ngày càng thực chất, mang lại lợi ích cho các bên, cho Thủ đô và cả nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối mạnh, hiệu quả cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.