Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm chắc và hiệu quả

Hà An| 06/12/2018 06:16

(HNM) - Trật tự xây dựng luôn là lĩnh vực phức tạp do quá trình đô thị hóa tăng nhanh, lại cũng đầy tính “lịch sử để lại” khi ý thức, thói quen xây dựng, cơi nới công trình tự phát của người dân, song khó giải quyết do công tác quản lý còn hạn chế, quy định pháp luật chưa hoàn thiện, theo kịp thực tế.


Với quan điểm nhìn thẳng vào thực trạng đó để chỉ đạo và giải pháp cụ thể, vấn đề này ở Hà Nội đã và đang chuyển động và đạt kết quả tích cực. Đó là, so với hai năm gần đây, tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng qua kiểm tra đã giảm tới 50%. Đáng chú ý, con số này giảm trên cả 3 phương diện: Giảm mạnh số công trình vi phạm mới; giảm số công trình xây dựng tồn đọng đã xử lý và giảm số vụ vi phạm mang tính quy mô lớn.

Kết quả này quan trọng ở chỗ, nó cho thấy những yếu tố có tính bền vững hơn trong nỗ lực ngăn chặn và gỡ dần những phức tạp của vi phạm trật tự xây dựng - nỗi ám ảnh của đô thị trong quá trình phát triển vươn tới hiện đại, văn minh.

Thực tế, việc ngăn chặn các vụ việc phát sinh mới đã khó và cần thiết, nhưng xử lý các vụ tồn đọng đạt tỷ lệ cao (89%) như Hà Nội đã làm vừa qua cũng quan trọng không kém. Tuy nhiên, như đã được chỉ rõ, trật tự xây dựng là lĩnh vực luôn đối diện với khả năng phát sinh rắc rối mới, chưa kể những vụ việc tồn đọng càng ngày càng khó khắc phục do nhiều yếu tố. Chính vì thế, để lập lại dần trật tự xây dựng, luôn cần đến tinh thần, giải pháp có tính nhất quán là tinh thần “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả.

Đặc biệt, hơn một năm qua, tinh thần đó đã được cụ thể hóa bằng Kế hoạch 125/KH-UBND của UBND TP Hà Nội (ngày 1-6-2017, về việc khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố) và cho thấy kết quả tích cực.

Từ đây, phương thức giải quyết theo cách phân định thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng một cách cụ thể theo nội dung Kế hoạch trên cần tiếp tục được duy trì và duy trì mạnh mẽ hơn, tới tận cấp chính quyền cơ sở - nơi dễ nắm bắt nhất những phát sinh của vi phạm trật tự xây dựng.

Đáng nói, vai trò của người đứng đầu chính quyền cấp huyện, xã là rất quan trọng trong toàn bộ nỗ lực của thành phố nhằm tăng cường kỷ cương trong quản lý lĩnh vực phức tạp này. Vai trò đó thể hiện qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện tối đa cho lực lượng thanh tra xây dựng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đây cũng là cách để ngăn ngừa sớm mầm mống của vi phạm, tránh để thành “cây to” để phải “cưa ngọn”, thành “con voi chui qua lỗ kim” tốn công sức, tiền bạc của xã hội.

Bên cạnh đó, phải phát huy tổng thể nhiều lực lượng giám sát nhằm hỗ trợ cho công tác này, đặc biệt là vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp để vừa ngăn chặn vi phạm mới vừa nắm rõ thực trạng vi phạm tồn đọng, hướng tới mục tiêu giải quyết dứt điểm, hiệu quả.

Đáng chú ý, tại Hà Nội, một số quận, huyện làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng như Long Biên, Phúc Thọ… cũng cần được đánh giá, ghi nhận, phân tích kết quả đạt được trên cơ sở đặc thù của địa phương, từ đó chia sẻ, nhân rộng hoặc tham khảo những mô hình hay, cách làm hiệu quả.

Thực tế cho thấy, chỉ có giảm chắc chắn những vi phạm, ngăn ngừa phát sinh mới một cách hiệu quả bằng tổng thể các giải pháp trên thì công tác quản lý trật tự xây dựng mới xác lập được thế ổn định; từ đây tạo đà cho thành phố phát triển hiện đại, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm chắc và hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.