Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tận dụng công nghệ để bứt phá

Đình Hiệp| 11/12/2018 06:45

(HNM) - Xuất phát điểm thấp, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ không ổn định, công nghệ lạc hậu… là thực trạng chung của nhiều làng nghề không chỉ tại Hà Nội mà trên cả nước hiện nay.


Nhìn lại quá trình phát triển, có làng nghề đã hình thành từ cả nghìn năm nay, làng trẻ nhất thì cũng vài chục năm tuổi. Thế nhưng, quy mô và trình độ sản xuất của nhiều làng nghề vẫn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Ngay tại Hà Nội, dù đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, nhưng nghề và làng nghề vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có hơn 1.350 làng nghề, chiếm gần 30% tổng số làng nghề cả nước, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 200 triệu USD/năm. Song, bức tranh chung về quy mô của các làng nghề Thủ đô vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, tự phát khi việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu theo phương thức truyền thống.

Nguyên nhân là người làm nghề chưa hiểu biết nhiều về thương mại điện tử, cộng với sức ỳ, ngại đổi mới… Thêm vào đó là năng lực sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới của hầu hết các làng nghề truyền thống đều rất yếu và chủ yếu làm theo đơn đặt hàng nên chưa có sự sáng tạo. Ngoài ra, sự hỗ trợ của Nhà nước cho thương mại điện tử phát triển làng nghề còn hạn chế, đầu tư chưa bài bản... Môi trường thương mại điện tử còn nhiều bất cập đã cộng hưởng thêm các khó khăn cho làng nghề.

Không thể phủ nhận những tiến bộ của Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội cho các làng nghề bứt phá. Nếu như trước đây, nhiều làng nghề phụ thuộc vào các hội chợ hay sự giới thiệu của các cơ quan nhà nước để gặp gỡ đối tác thì bây giờ họ có thể chủ động tìm kiếm thị trường qua mạng internet. Các làng nghề có thể dễ dàng nắm bắt được nhu cầu của khách dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu kỹ thuật số… Thương mại điện tử mở ra cơ hội cho các làng nghề thâm nhập vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. Vì thế, việc tận dụng thương mại điện tử tại các làng nghề sẽ là phương thức có ý nghĩa đột phá cho bảo tồn và phát triển làng nghề trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sản phẩm làng nghề Việt còn yếu ở cả chất lượng, giá cả và tính thẩm mỹ khi đem so với các sản phẩm cùng loại tại thị trường trong nước và khu vực. Vì thế, để bước đi vững chắc trong hội nhập và phát triển, các làng nghề cần lựa chọn công nghệ là mũi nhọn để sản xuất thương mại, đầu tư có chiều sâu vào sản phẩm thủ công. Để làm được điều này, cần phải có chiến lược đào tạo bài bản để người thợ, người lao động hấp thụ và vận hành thiết bị 4.0.

Về phía Nhà nước cần có chính sách trợ cấp, cải thiện môi trường kinh doanh để các làng nghề có thể tiếp cận với đất đai, nguồn vốn vay ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện để làng nghề tiếp thu công nghệ mới. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh ở cả cấp độ sản phẩm và cấp độ làng nghề.

Bản thân các làng nghề muốn phát triển và vươn xa cần tự tái cơ cấu bền vững theo trình tự như: Tái cơ cấu sản phẩm, loại bỏ các sản phẩm không phù hợp với nhu cầu hiện tại của khách hàng. Cùng với đó, các làng nghề cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các hoạt động: Xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, xử lý môi trường, cải tiến công nghệ, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng công nghệ để bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.