Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp từ minh bạch, công khai

Hà An| 14/12/2018 06:36

(HNM) - Trong tất cả các lĩnh vực dịch vụ, không riêng gì tư vấn du học, kẽ hở lớn cho lừa đảo hoành hành trước hết là ở khả năng tiếp cận thông tin chuẩn xác yếu, sự cả tin và ít nhiều tâm lý ham lợi của người sử dụng dịch vụ.

Nói về tình trạng lừa đảo trong hoạt động tư vấn du học, trước hết phải nhận thấy rõ những chiêu trò lừa đảo của các trung tâm tư vấn du học diễn ra ở khá nhiều cấp độ. Nhận diện được đầy đủ mới có thể tìm thấy giải pháp ngăn chặn cả trước mắt và lâu dài nhằm đẩy lùi những hành vi lừa đảo, nguy cơ gây rủi ro cho học sinh; nhưng đồng thời phải khuyến khích được hoạt động tư vấn du học lành mạnh, đáp ứng nhu cầu du học đa dạng, rất lớn của các bạn trẻ hiện nay.

Trên thực tế, lừa đảo trong tư vấn du học có những chiêu rất tinh vi. Ví như tạo ra liên kết “ma” với đối tác nước ngoài mà học sinh và gia đình nếu không thông thạo, chủ động kiểm tra thông tin thì rất khó phát hiện. Điển hình là vụ việc một cơ sở tư vấn du học mới đây đã lấy tên của một trường đại học uy tín ở Nhật Bản để dẫn dụ học sinh, trong khi thực tế giấy chứng nhận cấp học bổng của trường được giám định là giả mạo. Một cấp độ lừa đảo khác, liên quan trực tiếp đến người đi du học và gia đình, như lừa đảo về visa; đánh thẳng vào tâm lý người sử dụng dịch vụ với hứa hẹn sẽ kiếm việc làm dễ dàng, lương cao sau khi tốt nghiệp… Và còn nhiều chiêu trò khác không phải lúc nào phụ huynh, học sinh cũng có thể đủ tỉnh táo, đủ thông tin để nhận rõ…

Tránh các chiêu trò lừa đảo là không dễ dàng. Bởi vậy, trước hết, học sinh và phụ huynh phải tranh thủ những cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm du học do chính các cựu du học sinh, hoặc người đi du học tạo ra, như “Cộng đồng tố giác công ty du học lừa đảo” trên mạng xã hội. Chủ động tham khảo trang thông tin chính thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo về vấn đề du học…

Xuyên suốt các giải pháp vẫn là tính công khai, minh bạch từ các nhà quản lý. Ví như một giải pháp mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng nêu rõ là tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật đối với các cơ sở tư vấn du học; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện sai phạm, ngăn chặn nguy cơ dẫn đến rủi ro cho học sinh.

Thông tin về các cơ sở uy tín, cảnh báo về các cơ sở, trung tâm lừa đảo, có dấu hiệu lừa đảo cũng cần được truyền thông tới đối tượng học sinh, sinh viên qua hệ thống trường học, qua tổ chức đoàn thanh niên, địa phương. Công khai cơ sở uy tín, nhưng bên cạnh đó cũng phải công khai cơ sở lừa đảo, hoặc cơ sở không thực hiện nghiêm các quy định liên quan đến lĩnh vực tư vấn du học, cũng như các quy định chung của pháp luật về vấn đề này. Đặc biệt là xử phạt các cơ sở vi phạm rõ ràng với chế tài đủ sức răn đe. Nếu mức phạt không đáng kể sẽ dẫn đến tình trạng các cơ sở sẵn sàng “chịu phí” để tiếp tục lừa đảo nhằm thu những khoản lời lớn hơn.

Lừa đảo trong hoạt động tư vấn du học cũng như trong nhiều lĩnh vực có thể được dẹp bỏ, được đẩy lùi chỉ khi tính công khai, minh bạch trong nhiều khâu cùng được nâng cao. Tự thân sự công khai, minh bạch cũng là nguồn động viên mạnh mẽ đối với những cơ sở uy tín, hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp từ minh bạch, công khai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.