Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Vun đắp tình yêu tiếng quê hương

Quỳnh Dương| 09/09/2017 07:21

(HNM) - Tiếp tục đẩy mạnh việc dạy và học tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài một cách thiết thực, hiệu quả là hết sức cần thiết. Bên cạnh những biện pháp đã, đang triển khai, thời gian tới Chính phủ sẽ thực hiện những đề án, kế hoạch cụ thể nhằm gìn giữ, vun đắp tình yêu với tiếng Việt và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới.

Lễ trao chứng chỉ tốt nghiệp khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt dành cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài.


Những hiệu ứng tích cực

Trên thực tế, việc đẩy mạnh công tác dạy tiếng Việt với những giải pháp đồng bộ, nhất quán từ trong nước và huy động sự tham gia tích cực của các hội đoàn, vận động xây dựng thành phong trào giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 36-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ban hành năm 2004 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Quán triệt chủ trương này, Chính phủ đã triển khai đề án “Hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”, giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn và xuất bản 2 bộ sách “Tiếng Việt vui” dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên và “Quê Việt” dành cho người lớn. Đây là công trình được các chuyên gia về ngôn ngữ nghiên cứu kỹ lưỡng để áp dụng riêng cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Bên cạnh đó, năm 2016, Chính phủ đã thông qua đề án “Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài”. Mới đây nhất, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài”. Đây là chính sách quan trọng giúp cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác giảng dạy tiếng Việt cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Có thể thấy, dù trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm để mang đến hiệu quả thực sự cho những nỗ lực “gieo chữ” ở nước ngoài, song nhìn lại, nhiệm vụ này cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam cho biết, các đề án, chương trình cụ thể đã tạo ra được những hiệu ứng tích cực cho phong trào dạy và học tiếng Việt trên toàn thế giới. Thành quả lớn nhất là số lượng học sinh được học tiếng Việt tại các điểm trường, điểm lớp gia tăng. Nơi nào có người Việt, nơi đó có lớp dạy tiếng Việt.

Kết quả dễ thấy nhất là số lượng kiều bào về nước tham gia khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng đáng kể qua các năm. Sau 5 năm tổ chức, so với khóa đầu tiên, năm nay, số học viên tăng hơn 5 lần. Ông Vũ Hồng Nam nhìn nhận, thông qua các lớp tập huấn, những người làm quản lý hiểu được nguyện vọng của các thầy cô giáo và nhận thức những khó khăn mà họ đang phải đối mặt trong việc duy trì giảng dạy tiếng Việt cho các thế hệ con em, từ đó xây dựng chính sách phù hợp để từng bước khắc phục. Thứ trưởng Vũ Hồng Nam chia sẻ, hiện tại thế hệ giáo viên đầu tiên đều đã lớn tuổi; thế hệ thứ 2, thứ 3 vẫn chưa sử dụng tốt tiếng Việt. Do vậy, những lớp tập huấn như thế này sẽ giúp xây dựng được lớp giáo viên kế cận, dần cải thiện tình trạng thiếu hụt giáo viên.

Phong trào học tiếng Việt sẽ phát triển mạnh mẽ

Tại Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đưa ra lộ trình chi tiết các công việc phải thực hiện. Theo đó, nhiệm vụ từ nay đến năm 2020 là tập trung xây dựng Chương trình tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt 6 bậc; tổ chức chỉnh sửa và nâng cấp hai bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”; tổ chức cuộc thi viết sách giáo khoa; xây dựng bộ công cụ đánh giá, tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Việt...

Từ năm 2020 đến 2022, các đơn vị liên quan sẽ hoàn thiện việc biên soạn tài liệu song ngữ hướng dẫn ông bà, cha mẹ dạy học tiếng Việt cho con cháu trong gia đình; xây dựng các chương trình, tài liệu phát triển tiếng Việt qua các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật; biên soạn tài liệu bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy tiếng Việt cho giáo viên, tình nguyện viên; tiếp tục tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức trại hè cho con em kiều bào tại Việt Nam. Ngoài ra, trong thời gian tới, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chính sách, chế độ thù lao phù hợp để khuyến khích các giáo viên tham gia giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ, cử giảng viên từ trong nước ra nước ngoài để tập huấn tại chỗ cho các thầy, cô giáo không có điều kiện về nước.

Theo Thứ trưởng Vũ Hồng Nam, khó khăn lớn nhất là xây dựng được phong trào, vun đắp tình yêu dành cho tiếng Việt. Nếu hiểu và có tâm huyết thực sự thì trở ngại nào cũng có thể vượt qua. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời, vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Vì vậy, dù thách thức vẫn còn nhiều, song Thứ trưởng Vũ Hồng Nam tin tưởng, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan đoàn thể trong nước và sự liên kết của tổ chức hội đoàn của bà con ở nước ngoài, trong thời gian tới, phong trào giảng dạy và học tiếng Việt sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Vun đắp tình yêu tiếng quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.