Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Trung Quốc: Có “tiếp đất” êm ái?

Vân Khanh| 05/03/2016 08:07

(HNM) - Năm 2016 là năm khởi đầu của

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục chững lại.


Sự kiện này khiến kỳ họp thường niên Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc vừa khai mạc ngày 3-3 có tầm quan trọng đặc biệt. Mối quan tâm của cả người dân trong nước lẫn giới đầu tư quốc tế đang hướng về các cuộc thảo luận của khoảng 2.000 đại biểu trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu tiếp tục trì trệ kéo dài.

Sự chờ đợi lớn nhất tập trung vào việc hội nghị kéo dài đến ngày 14-3 này sẽ đưa ra được những khuyến nghị và giải pháp gì để kéo con tàu kinh tế lớn nhất Châu Á khỏi quỹ đạo thụt lùi. Chỉ tăng trưởng với con số giật mình là 6,9% trong năm 2014, tỷ lệ này cho dù bị nhiều nhà kinh tế thế giới nghi ngờ là cao hơn so với thực tế thì Trung Quốc vẫn bị trượt mục tiêu 7% mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đặt ra trước đó.

Thậm chí, đến năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng được thống nhất chỉ là từ 6,5% đến 6,7%, khiêm tốn hơn nhiều so với năm trước. Dường như các nhà lãnh đạo đất nước đông dân nhất thế giới đã chấp nhận thực tế rằng, thời kỳ tăng trưởng hai con số lẫm liệt đưa Trung Quốc một bước lên ngôi cao đã qua đi.

Tuy nhiên, để làm quen với trạng thái mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là "sự bình thường mới" lại không dễ dàng. Những phản ứng của thị trường nội địa lẫn toàn cầu liên quan đến sự trồi sụt của nền kinh tế có quy mô 11.000 tỷ USD gay gắt hơn định liệu. Trong đó, vấn đề hóc búa nhất và cũng khó khăn nhất là thuyết phục được lòng tin đang vơi dần của giới đầu tư trong nước cũng như quốc tế vào sự ổn định và đúng hướng của kinh tế Trung Quốc.

Cho dù đã dùng nhiều "phao cứu sinh" để giải cứu thị trường chứng khoán đã vài lần rơi vào tình trạng nguy cấp, các sàn giao dịch cổ phiếu từng là "chốn thần tiên" của các nhà đầu tư từ thành thị tới nông thôn vẫn chật vật tìm cách đảo chiều. Không chỉ rời bỏ danh mục đầu tư từng được ưa chuộng số một này, các số liệu để đo lường niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc cũng giảm đi trông thấy.

Đơn cử, có đến 4 trong tổng số 5 thành tố của chỉ số Westpac-MNI về độ lạc quan của người tiêu dùng trong tháng 2 giảm 3,1%, còn 111,3 điểm, thấp nhất kể từ tháng 10-2015. Quan ngại nhất là sự lạc quan với tài chính gia đình và tiêu dùng, yếu tố quan trọng để đánh giá độ tin cậy của người dân với nền kinh tế lại mất điểm mạnh nhất.

Quay ra các nhà đầu tư ngoại, việc giữ chân dòng tiền cùng các công ty, quỹ tài chính, doanh nghiệp… chạy khỏi Trung Quốc đang là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Nếu như trong cả năm 2014, mức thoái vốn khỏi đất nước này là 134,3 tỷ USD thì đến năm 2015, tốc độ đã tăng hơn 7 lần, lên đến khoảng 1.000 tỷ USD và cũng là kỷ lục kể từ năm 2006.

Có nhiều lý do để dẫn tới sự nhìn nhận không mấy khả quan này. Thực tế cho thấy, những công cụ truyền thống vốn là lực đẩy của nền kinh tế Trung Quốc như xuất khẩu đã có bảng thành tích tương đối nghèo nàn khi rơi từ mức tăng trưởng hai con số xuống tăng trưởng âm. Tình trạng đầu tư quá mức tạo thành những thành phố "ma", nhà máy bỏ hoang và sản xuất dư thừa giờ đã để lại những áp lực vô cùng lớn, nhất là những khoản nợ nần kếch xù.

Tính đến năm 2015, tổng số nợ trong nước của Trung Quốc ước tính lên đến 250% GDP, cao hơn nhiều so với mức 180% của năm 2008. Sự lo lắng đã được thể hiện rõ khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's cách đây mấy ngày đã hạ triển vọng định hạng tín nhiệm nợ của Trung Quốc từ "ổn định" xuống "tiêu cực". Vấn đề còn nằm ở chỗ gánh nặng nợ nần sẽ cản trở những khả năng của Trung Quốc trong việc thực thi cải cách và cơ cấu, tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP thay cho mô hình "công xưởng thế giới" đang mất dần vai trò do biến đổi của kinh tế toàn cầu.

Khi Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc đang diễn ra thì một quả bong bóng nữa trên thị trường bất động sản có những tín hiệu bị thổi phồng. Chỉ trong 1 tháng, giá nhà ở Thẩm Quyến tăng 4% so với tháng 12-2015 và tăng 52% so với cùng kỳ năm 2015; giá nhà đất ở Thượng Hải đã tăng 18% trong một năm qua và con số này ở Bắc Kinh là 10%.

Lâu nay, đã có nhiều tranh luận về việc kinh tế Trung Quốc có thể "tiếp đất êm ái" hay không (?). Điều này chưa thể khẳng định vào thời điểm nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn còn nhiều tiềm năng cho dù tỷ phú lừng danh George Soros quả quyết rằng, ông không dự đoán về khả năng có một cuộc hạ cánh cứng mà "đang quan sát nó".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Trung Quốc: Có “tiếp đất” êm ái?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.