Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản

Ngọc Quỳnh| 16/10/2018 06:41

(HNM) - Nhằm cung cấp những mặt hàng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khách tham quan nông sản của các tỉnh, thành phố tại hội chợ ở Hà Nội.


Theo Sở NN&PTNT, với khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, học tập trên địa bàn Thủ đô, trung bình mỗi tháng, Hà Nội tiêu thụ khoảng 83.400 tấn gạo, riêng tháng Tết khoảng 87.500 tấn (tăng 5 đến 7%); thịt lợn hơi 20.000 tấn, tháng Tết khoảng 24.000 tấn (tăng 18 đến 20%); thịt bò 5.230 tấn, tháng Tết là 6.153 tấn; thực phẩm chế biến 5.050 tấn, tháng Tết 5.500 tấn; rau củ 84.100 tấn, tháng Tết 100.000 tấn…

Ngoài mặt hàng thịt lợn, thịt gà do Hà Nội sản xuất, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết, thì nhiều mặt hàng như gạo, thực phẩm chế biến, trứng… phải nhập từ các địa phương. Để tìm nguồn nông sản, thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô, Sở NN&PTNT Hà Nội đã liên kết, phối hợp chặt chẽ với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, đưa nông sản thực phẩm an toàn về thành phố thông qua các hội chợ, tổ chức sản xuất, kinh doanh; hội chợ nông sản thực phẩm an toàn tại các địa phương trong toàn quốc... Từ đầu năm đến nay, các sản phẩm nông, lâm thủy sản cung cấp về Hà Nội của tỉnh Điện Biên khoảng 50 tấn, trong đó sản phẩm chủ lực bí xanh; rau bò khai với số lượng 23 tấn. Tỉnh Hòa Bình cấp cho thành phố Hà Nội được khoảng 210 tấn rau các loại; 34,3 tấn thịt lợn; 210 tấn cá sông Đà…

Bên cạnh đó, trong hoạt động xúc tiến thương mại vẫn còn khó khăn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, mức độ hỗ trợ cho các đơn vị tham gia chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại chưa cao, nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia; cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác xúc tiến thương mại thiếu; nguồn nhân lực phục vụ công tác xúc tiến thương mại còn “mỏng” về số lượng, thiếu chuyên gia giỏi và đào tạo chuyên sâu; doanh nghiệp, hợp tác xã thiếu kỹ năng quản lý, kỹ năng chăm sóc khách hàng, giao tiếp đàm phán trong kinh doanh, nên hạn chế trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với những doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có tiềm lực lớn.

Để tháo gỡ những khó khăn về kết nối tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, các tỉnh, thành phố quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hàng hóa quy mô lớn; xây dựng thương hiệu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc xuất xứ khi mặt hàng trưng bày tại hội chợ hoặc trung tâm thương mại. Các địa phương khi tham dự những hội chợ triển lãm cần lựa chọn các hội chợ, lựa chọn doanh nghiệp có các mặt hàng phù hợp, đặc trưng vùng, miền. Theo ông Đỗ Mạnh Phú - Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi và trồng trọt Phú An (huyện Ba Vì), hiện nay do nguồn kinh phí còn hạn chế nên các doanh nghiệp khó khăn khi tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại. Các sở, ngành tham mưu cho thành phố có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp tham gia hội chợ trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm; ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.