Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ cao trong hợp tác xã nông nghiệp vẫn nhiều khó khăn

Ngọc Quỳnh| 26/10/2018 06:54

(HNM) - Trên địa bàn TP Hà Nội đã xuất hiện những hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Thành phố Hà Nội hiện có 13 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, đứng thứ 5 cả nước về số lượng hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Các lĩnh vực sản xuất ứng dụng công nghệ cao phổ biến như: Trồng rau, trái cây an toàn, giống cây trồng, vật nuôi… Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Hữu Văn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Định cho biết: Trước đây, nông dân địa phương sử dụng nhiều phân hóa học cho cây trồng nên mỗi cây bưởi chỉ cho thu hoạch khoảng 120 quả, nhưng với phương thức canh tác hữu cơ, năng suất đạt 200 quả/cây...

Ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa ở Hợp tác xã Hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ).


Tuy nhiên, do những yếu kém nội tại, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế. Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Nguyễn Trung Thành, không chỉ thiếu vốn đầu tư, mà quỹ đất dành cho phát triển sản xuất cũng hạn chế nên không ít hợp tác xã chưa phát huy được hiệu quả khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, các mô hình ứng dụng công nghệ cao mới làm từng phần nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ từ đầu tư con giống đến sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm. Các hợp tác xã cũng chưa nắm bắt được thị trường công nghệ, nhất là thiếu nguồn nhân lực trong quản trị, quản lý điều hành để lựa chọn công nghệ cao vào sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã Sông Hồng (huyện Đông Anh) Lê Văn Tám cho biết: Năm 2012, hợp tác xã bắt đầu hình thành khu nhà màng ứng dụng công nghệ cao để trồng rau, củ an toàn, nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất.

Tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết: Huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 28 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 có từ 4 đến 5 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, huyện sẽ tập trung hướng dẫn và hỗ trợ hợp tác xã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; phối hợp với doanh nghiệp hình thành vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định...

Không riêng Đan Phượng, nhiều huyện, thị xã cũng đang tập trung triển khai Đề án "Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020", trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Thành phố phấn đấu đến năm 2020, không còn hợp tác xã yếu kém, có từ 80 đến 90% hợp tác xã hoạt động khá trở lên; xây dựng 3 mô hình hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm và 2 mô hình hợp tác xã liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.

Để đạt mục tiêu đề ra, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá hiệu quả của 13 hợp tác xã trên địa bàn thành phố đang ứng dụng công nghệ cao. Các hợp tác xã mới thành lập dứt khoát phải xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có quy mô phù hợp với từng loại sản phẩm. Liên quan đến nhiệm vụ này, các sở, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho hợp tác xã, bao gồm cả nhân lực quản lý và thực hành công nghệ cao; hỗ trợ vốn, tín dụng và các chính sách theo quy định để tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển thuận lợi khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ cao trong hợp tác xã nông nghiệp vẫn nhiều khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.