Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghệ vi sinh Nhật Bản - giải pháp cho nền nông nghiệp sạch và an toàn

Bảo Hân| 19/05/2016 15:38

(HNMO)- Các nhà khoa học nhất trí đề xuất đẩy nhanh việc thử nghiệm ứng dụng công nghệ LBF403 của Nhật trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta

Các nhà khoa học thảo luận tại Hội thảo


Chiều 18/5, Học viện Chính sách phát triển - Bộ Kế hoạch Đầu Tư phối hợp với Công ty Cổ phần Sky Life Việt Nam tổ chức hội thảo "Chính sách và giải pháp cho nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam ứng dụng công nghệ vi sinh Nhật Bản".

Đến dự hội thảo có đại diện của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các chuyên gia từ các tổ chức nghiên cứu như Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Phát triển công nghệ và giáo dục; các tổ chức quốc tế cùng đại diện các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và các chủ hộ trang trại đang tham gia nuôi trồng thử nghiệm.

Đặc biệt, dự Hội thảo có GS.Saburo Matsui, ĐH Kyoto, cố vấn cơ quan môi trường toàn cầu (GEF) và ông Kyoko Shiomi, Chủ tịch Cty TNHH Sky Life (Nhật Bản) và Công ty CP Sky Life Việt Nam.

TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, giảng viên Học viện Chính sách phát triển, chỉ ra nguyên nhân thực phẩm không bảo đảm vệ sinh ở nước ta xuất phát từ tất cả các khâu: nuôi trồng, chế biến (sơ chế), bảo quản và lưu thông.

TS Nghĩa cũng đề xuất xây dựng mô hình chuỗi sản xuất cung ứng thực phẩm sạch theo kinh nghiệm các nước tiên tiến như Singapore.

Theo đó cần có các DN lớn, có uy tín & thương hiệu, sở hữu công nghệ sạch. Các DN này chuyển giao công nghệ cho các trang trại và bao tiêu sản phẩm đầu ra, có mã số có khả năng truy xuất được nguồn gốc.

Các sản phẩm này được cung cấp trên kênh phân phối và có sự kiểm tra về chất lượng định kỳ và đột suất bởi các cơ quan kiểm định chất lượng độc lập. Kết quả đánh giá được công bố minh bạch cho cả DN, kênh phân phối, cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

Đi kèm chuỗi này là công ty bảo hiểm cho quá trình sản xuất nông nghiệp; các ngân hàng hỗ trợ vốn cho DN và đơn vị nuôi trồng; các tổ chức nghiên cứu và DN công nghệ hợp tác với DN để chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất an toàn.

Chính phủ và cơ quan quản lý hỗ trợ toàn bộ các mắt xích của chuỗi, đặc biệt nhấn mạnh nâng cao hiệu lực thi hành luật ATTP và công tác truyền thông đến người dân để nâng cao hiểu biết và tinh thần trách nhiệm của cả người sản xuất và tiêu dùng.

Tại hội thảo, TS Nghĩa giới thiệu 2 giáo sư GS. Saburo Matsui, và GS. Kyoko Shiomi trình bày giải pháp sử dụng công nghệ vi sinh Probiotic để có một nền nông nghiệp sạch và an toàn hoàn toàn.

Trong quá trình nghiên cứu và thực tiễn, Giáo sư Matsui cùng ông Kyoko Shiomi đã tìm ra Lactobacillus Fermentation 403 (LBF403) và Natto bacillus, là hai loại vi khuẩn có lợi và rất khoẻ, ứng dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở Nhật và quốc tế, đã được chính phủ Nhật cấp bằng phát minh sáng chế và được bảo hộ.

LBF403 có thể ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau như xử lý môi trường, ủ phân hữu cơ, trong chăn nuôi giúp tăng sức đề kháng, khiến vật nuôi khoẻ, ít bệnh và không cần sử dụng thuốc kháng sinh. Thịt vật nuôi cũng ngon hơn và để được lâu hơn. Cụ thể, trứng gà ở Singapore áp dụng công nghệ này để ở môi trường bên ngoài trong 40 ngày mà không hỏng.

Trong trồng trọt, phối hợp hai loại vi khuẩn LBF403 và Natto Bacillus có thể giúp cây trồng sinh trưởng tốt hơn, tăng sức đề kháng, trống được sâu bệnh mà không cần dùng thuốc trừ sâu hoá học. Đặc biệt, hai loại vi khuẩn này giúp tăng lượng đường trong quả và tạo ra một loại hóc môn thực vật giúp rau, quả...có vị ngon hơn.

Quan trọng hơn, chi phí áp dụng công nghệ này, theo ông Shiomi, là chỉ tương đương với chi phí theo phương pháp thông thường sử dụng phân hoá học và thuốc trừ sâu hoá học vì công nghệ nhân giống đã được chuyển giao cho Công ty CP Sky Life Việt Nam. Đây là cơ sở để có thể phổ biến rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp để giải quyết vấn đề thực phẩm "bẩn" hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghệ vi sinh Nhật Bản - giải pháp cho nền nông nghiệp sạch và an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.