Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh số bán ô tô giảm trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm

Theo TTXVN| 11/02/2018 14:47

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô trong tháng 1-2018 đạt 26.037 xe, mặc dù giảm 7% so với tháng 12-2017 nhưng tăng tới 28% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh số bán ô tô trong tháng 1-2018 đạt 26.037 xe, giảm 7% so với tháng 12-2017. Ảnh: Nguyễn Văn Sơn/TTXVN


Trong tổng số xe tiêu thụ trên, dòng xe du lịch tăng trưởng đến 25% với 18.371 xe được bàn giao đến tay khách hàng cả nước. Trong khi đó, doanh số của dòng xe thương mại và xe chuyên dụng lại giảm 38% và 78%, lần lượt ở con số 7.363 và 303 xe.

Xét theo xuất xứ xe, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 20.586 xe, tăng 3% so với tháng trước và lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 5.451 xe, giảm 30% so với tháng trước.

Lý giải về việc doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm nói chung và doanh số của xe nhập khẩu giảm mạnh trong tháng 1-2018 nói riêng, giới chuyên doanh cho rằng, thông thường vào mùa cao điểm mua sắm cuối năm sức tiêu thụ trên thị trường sẽ tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, thị trường ô tô tháng đầu năm 2018 lại không nằm trong quy luật này. Nguyên nhân chính xuất phát từ các điều kiện kinh doanh mới liên quan đến thị trường ô tô có hiệu lực từ đầu năm 2018.

Theo đó, để đón đầu xu thế giảm thuế nhập khẩu xe từ ASEAN về 0%, những tháng cuối năm 2017 các doanh nghiệp đua nhau giảm giá bán xe, nhưng khách hàng vẫn có tâm lý chờ đợi đến đầu năm 2018 để được mua xe nhập khẩu nguyên chiếc với giá rẻ. Thế nhưng, bước sang đầu năm 2018 điều này đã không trở thành hiện thực ngoại trừ một vài hãng sản xuất lắp ráp xe giảm giá nhẹ theo thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 5% đối với các xe có dung tích xi lanh từ 2.0L trở xuống.

Đáng chú ý, khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0%, cũng là lúc một loạt quy định siết chặt điều kiện sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh ô tô; áp thuế hạn chế nhập khẩu xe ô tô cũ theo các Nghị định 116 và 125 có hiệu lực thi hành khiến cho giá xe nhập khẩu tăng hơn trước.

Theo đó, Nghị định 116/2017/NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cấp, đặc biệt mỗi lô xe nhập về phải lấy xe đại diện cho từng kiểu loại để thử nghiệm với chi phí 10.000 USD và thời gian kép dài đến hai tháng.


Trong khi đó, Nghị định 125/2017/NĐ-CP lại hạn chế nhập khẩu xe ô tô cũ từ 9 chỗ ngồi trở xuống bằng việc áp thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp khiến mỗi chiếc nhập về có thể tăng thêm ít nhất 5.000 USD đến hàng chục nghìn USD, cao hơn cả giá xe mới nên xe cũ khó có “cửa” về Việt Nam.

Với điều kiện kinh doanh mới này, giá xe cả cũ lẫn mới về Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể, không như kỳ vọng của một số người tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, Nghị định 125/2017/NĐ-CP cũng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện về mức 0% cho xe sản xuất lắp ráp trong nước, doanh nghiệp muốn nhập khẩu linh kiện với mức thuế ưu đãi này về sản xuất lắp ráp cũng cần có độ trễ của thời gian. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nguồn cung xe sản xuất lắp ráp trong nước khan hiếm thời gian gần đây. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh số bán ô tô giảm trong mùa cao điểm mua sắm cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.