Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe BMW bị cáo buộc gián tiếp gây tai nạn chết người do lỗi điện

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 04/05/2018 12:57

(HNMO) - Đúng vào lễ Giáng sinh năm 2017, một công dân Anh đã gặp tai nạn và thiệt mạng, sau khi buộc phải đánh lái tránh một chiếc BMW hỏng nằm trên đường cua tay áo mà không hề có đèn hiệu.



Nạn nhân sau đó được giới chức Anh xác định là ông Narayan Gurung (66 tuổi). Người này đã gặp nạn khi lái chiếc Ford Fiesta đâm thẳng vào một gốc cây, sau khi cố gắng né một xe BMW hỏng trên đường nhưng không hề có đèn. Điều đáng nói là lỗi của chiếc BMW có liên quan tới trục trặc dây nối giữa ắc quy xe và hộp cầu chì, khiến xe hoàn toàn mất điện. Đây là vấn đề đã từng được ghi nhận trước đó.

Tới nay, kết quả điều tra bước đầu do tòa án Cororner (thuộc hạt Woking, Anh) vừa công bố đã cho thấy, BMW từng nhận được nhiều phàn nàn từ phía người tiêu dùng về những trục trặc tương tự, với lần đầu tiên là từ năm 2011 liên quan tới khoảng 370.000 xe Series 1, Series 3 và Z4, nhưng hãng không có động thái khắc phục.

Đáng chú ý, BBC cho biết, hồi tháng 2-2016, cơ quan An toàn lái xe và phương tiện Vương quốc Anh (DVSA) cũng từng yêu cầu BMW phải đảm bảo các xe của mình là an toàn tuyệt đối. Đáp lại, hãng xe Đức cho rằng, trục trặc nói trên "chưa nghiêm trọng", vì không khiến chiếc xe bị mất lái hay mất phanh. Tuy nhiên, sau khi vụ tai nạn của ông Gurung xảy ra, BMW đã triệu hồi khoảng 36.000 xe tại Anh.

Cũng theo kết quả điều tra, BMW thực tế đã nhận biết nguy cơ tiềm ẩn từ lâu, và từng tiến hành triệu hồi hơn nửa triệu xe tại Mỹ (năm 2013) và một số tại Australia, Canada và Nam Phi, nhưng vì lí do gì đó lại chưa thực hiện động thái tương tự tại Anh. Điều này khiến người tiêu dùng tại Anh nói riêng và một số thị trường trở nên bất bình vì bị phân biệt đối xử thiếu công bằng. Hiện chưa rõ số lượng xe bị ảnh hưởng tại các thị trường khác là bao nhiêu.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng lo ngại rằng, nếu chiếc xe bị mất điện khi đang di chuyển trên cao tốc hay đường cua tay áo sẽ khiến người lái không thể sử dụng các đèn cảnh báo, đồng nghĩa đối mặt nguy cơ bị xe khác đâm vào, như trường hợp của ông Gurung. Tuy nhiên, BMW tuyên bố điều này khó xảy ra, vì "trong hầu hết các trường hợp" nếu đường dây nối ắc quy và hộp cầu chì bị chập chờn, người lái sẽ nhận thấy những dấu hiệu trục trặc nhỏ khác, có giá trị cảnh báo, chứ chưa mất điện hoàn toàn.

Được biết, tòa án Coroner sẽ tiếp tục yêu cầu điều tra mở rộng trong thời gian tới, trước khi đưa ra kết luận chính thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe BMW bị cáo buộc gián tiếp gây tai nạn chết người do lỗi điện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.