Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ford Transit lần đầu có đối thủ mạnh từ Hàn Quốc

Nguyễn Thúc| 17/06/2018 08:21

(HNMO) - Sau khi được chính thức phân phối và lắp ráp, sản xuất mẫu xe thương mại (xe tải và xe bus), Hyundai Thành Công đã cho ra mắt dòng xe 16 chỗ Solati mới, nhằm phá vỡ thế độc tôn của chiếc Ford Transit.

Solati có kích thước lớn hơn so với Transit.


Kể từ khi Mercedes-Benz Sprinter biến mất khỏi thị trường Việt Nam vào cuối năm 2012, Transit nghiễm nhiên trở thành lựa chọn duy nhất trong phân khúc xe thương mại cỡ nhỏ. Chính vì vậy, khi thông tin về Solati được tiết lộ, ngay lập tức nhiều ý kiến đã tỏ ra quan tâm. Đặc biệt là trong giới kinh doanh vận tải hành khách đường dài, vốn là khách hàng chủ lực của các dòng xe này.

Theo công bố, Hyundai Solati có kích thước tổng thể dài x rộng x cao lần lượt là 6,195 mm x 2,038 mm x 2,760 mm, đây là mức lớn hơn so với con số tương ứng 5.780 mm x 2.000 mm x 2.360 mm của Transit. Điều này hiển nhiên cho phép không gian nội thất rộng rãi hơn, không chỉ giúp cho việc di chuyển bên trong xe trở nên dễ dàng mà còn mở rộng không gian trên đầu và để chân. Tuy nhiên, do đặc thù vận hành nhiều cả trong đô thị, việc đồ sộ hơn như vậy cũng có thể gặp một số khó khăn.

Solati được trang bị động cơ dầu CRDi 2.5L, công suất cực đại 167 mã lực tại tua máy 3.600 vòng/phút và mô men xoắn cực đại đạt 422 Nm tại tua máy từ 1.500 đến 2,500 vòng/phút. Xe sử dụng hộp số sàn Dymos 6. Về phần mình, Transit sử dụng động cơ dầu TCDi 2.4L cho công suất 138 mã lực tại tua máy 3.500 vòng/phút và mô men xoắn cực đại 375 Nm tại 2.000 vòng/phút. Động cơ này song hành với hộp số tự động 6 cấp.

Như thế, không khó để nhận ra rằng Solati sẽ tải tốt hơn so với Transit, dù có trọng lượng cũng lớn hơn. Bù lại, người cầm lái sẽ phải cân nhắc về mức tiêu thụ nhiên liệu cho những hợp đồng mà mình nhận được. Đáng chú ý, việc có động cơ mạnh hơn cũng sẽ là tiền đề để Hyundai tung ra phiên bản Solati 20 chỗ ngồi trong thời gian tới.

Nội thất chiếc xe 16 chỗ mới của Hyundai.


Về tùy chọn, do cả hai mẫu xe đều hướng tới mục đích thương mại nên tiện nghi cơ bản không quá phong phú. Nếu như chiếc Transit đã khá quen thuộc với thị trường trong nước, Solati cố gắng gây dấu ấn nhờ hệ thống âm thanh Radio/USB/AUX; hệ thống điều hòa cơ làm mát nhanh; ổ cắm 12V và số lượng lớn ngăn chứa đồ trên khoang.

Trong khi đó, nếu so sánh về mức giá. Con số 1,08 tỷ vào thời điểm ra mắt của Solati vẫn cao hơn Transit khá nhiều. Điều này cho thấy chiếc xe Ford dường như vẫn đang "vừa miếng" hơn với số đông, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh vốn đề cao giá trị các khoản đầu tư. Bởi lẽ, tính tới tháng 6-2018, chiếc xe nhà Ford có giá khởi điểm chỉ từ khoảng 872 triệu đồng cho phiên bản tiêu chuẩn và lên cao nhất là 919 triệu đồng cho bản cao cấp. Tuy nhiên, khi ra mắt Solati với thông điệp “Đẳng cấp vượt trội”, dường như Hyundai đang muốn nhắm tới đối tượng khách hàng cao cấp, trang bị tiện nghi, hay nói cách khác chính là những chiếc DCAR chạy hợp đồng (vốn được "độ" lên từ Ford Transit) rất ăn khách gần đây.

Nhìn chung, có thể thấy Solati và Transit thực sự đang ở thế "kẻ tám lạng, người nửa cân" về mặt tính năng và giá bán đơn thuần. Trong bối cảnh như vậy, chiến thắng trong thời gian tới chắc chắn sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng cung cấp xe tới tay khách hàng, chất lượng dịch vụ, độ bền bỉ lâu dài, chi phí sử dụng theo thời gian.

Bất cứ hãng nào có thể đáp ứng tốt nhất các tiêu chí này, sẽ nhanh chóng đưa "gà nhà" đến chiến thắng. Cũng cần phải nói rằng, để chiến thắng chiếc xe Mỹ vốn đã được minh chứng về độ bền bỉ đối với thị hiếu tiêu dùng trong nước từ lâu, "tay chơi" Hàn Quốc chắc chắn sẽ cần nỗ lực lớn hơn đáng kể. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do chính khiến Hyundai Thành Công trước mắt chỉ đặt mục tiêu xuất xưởng 250 xe/tháng, tức là khoảng một nửa so với doanh số tháng của Transit hiện nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ford Transit lần đầu có đối thủ mạnh từ Hàn Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.