Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khởi động dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số

Việt Nga| 03/11/2018 07:21

(HNM) - Theo thông tin từ các nhà mạng, dự kiến ngày 16-11 tới, 3 nhà cung cấp có nhiều thuê bao di động nhất là Viettel, MobiFone, VinaPhone sẽ áp dụng dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao.

Dư luận đang quan tâm các quy định cụ thể khi áp dụng dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Ảnh: Thanh Hải


Theo kế hoạch, việc áp dụng dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được thực hiện ngày 31-12-2017, sau đó được thông báo lùi tới ngày 8-1-2018 (theo Thông tư 35/2017/TT-BTTTT ban hành tháng 11-2017), rồi lại lùi sau quý I-2018... Nhưng từ ngày 15-9 đến 15-11-2018, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho phép thực hiện chuyển đổi mã mạng di động từ 11 số về 10 số. Do vậy, chính sách chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao bị lùi lại vì nhà mạng không thể tiến hành đồng thời nhiều biện pháp kỹ thuật lớn.

Tuy nhiên, tại cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ TT-TT với các nhà cung cấp dịch vụ di động (cuối tháng 8-2018), lãnh đạo Bộ nhấn mạnh, việc chưa thực hiện chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao như hiện nay là quá muộn và cần sớm triển khai để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông. Đồng thời, cuộc họp này cũng xác định mốc thời điểm áp dụng dịch vụ là cuối tháng 11-2018. Bộ cũng thống nhất sẽ triển khai chính sách chuyển mạng giữ số trước tiên với 3 nhà mạng lớn. Mạng Vietnamobile sẽ thực hiện trong năm 2019, còn mạng Gmobile chưa áp dụng vì quy mô nhỏ.

Về phía các nhà mạng, hiện cả 3 nhà cung cấp trên đều đã, đang chuẩn bị tích cực cho việc này. Cụ thể, Viettel, MobiFone, VinaPhone đã kiểm tra thử nghiệm liên mạng với nhau (hoàn thành trong ngày 2-11-2018) cũng như xây dựng kế hoạch truyền thông. Khi thực hiện dịch vụ này, thời gian đầu sẽ chỉ áp dụng với thuê bao trả sau. Dự kiến sau 3 tháng, sẽ áp dụng chuyển mạng giữ nguyên số với các thuê bao trả trước.

Được biết, để triển khai việc này, ngoài các biện pháp về kỹ thuật, việc xây dựng chính sách kinh tế là rất quan trọng, góp phần quyết định vào sự thành công của dịch vụ, mang lại tính cạnh tranh giữa các nhà cung cấp và bảo đảm hơn quyền lợi của khách hàng. Tại các cuộc họp, mức phí rời mạng được đề xuất là 60.000 đồng và phí chuyển đến là 60.000 đồng song đến thời điểm này, Bộ TT-TT chưa đưa ra thông tin chính thức. Do vậy, đây là vấn đề được dư luận quan tâm, đồng thời đặt ra một số câu hỏi, đó là: Liệu ngoài tổng số tiền 120.000 đồng/lần chuyển (gồm cả phí rời mạng và chuyển đến), thuê bao có phải trả phí hòa mạng (35.000 đồng/thuê bao trả sau, 25.000 đồng/thuê bao trả trước) khi chuyển sang mạng khác không? Số tiền trong tài khoản nếu chưa dùng hết khi chuyển sang mạng khác có được bảo lưu không?

Ngoài ra, còn một số vấn đề khác mà thuê bao chuyển đổi cần được hướng dẫn. Ví dụ, khi thuê bao đang dùng nhà mạng A nay chuyển sang nhà mạng B, nếu muốn sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng khác sẽ phải đăng ký. Điều này về lý thuyết là đúng, song cũng tránh trường hợp thuê bao lại bị tự ý đăng ký các dịch vụ ngoài mong muốn, có thể khiến “đội” cước. Vì vậy, nhà mạng tiếp nhận cũng cần khuyến cáo khách hàng vấn đề này.

Được biết, tại Thông tư 35/2017/TT-BTTTT quy định về việc chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao đã xác định cụ thể về trách nhiệm, điều kiện của nhà mạng (niêm yết giá cước, trách nhiệm của nhà mạng có thuê bao chuyển đi...); của thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng... Song những băn khoăn nêu trên cho thấy, dư luận đang rất cần biết những quy định cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính sách chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khởi động dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.