Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buôn lậu, gian lận thương mại - Vẫn “nóng”!

Thanh Hiền| 18/07/2017 07:25

(HNM) - 12.162 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã bị phát hiện, xử lý trong 6 tháng đầu năm 2017. Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện có sự móc nối, tiếp tay cho các hành vi này.


Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hoàng Mai thu giữ hàng hóa nhập lậu. Ảnh: Phương Anh


Phát hiện tiếp tay, móc nối

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 Hà Nội, Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: 6 tháng đầu năm 2017, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn mới và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi. Nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, đối tượng thường tập trung hàng lậu tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên… rồi chia nhỏ chuyển vào Hà Nội tiêu thụ, hoặc đưa về các tỉnh, thành phố. Lợi dụng tâm lý thích hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng, các ổ nhóm buôn lậu lén lút vận chuyển các mặt hàng ế thừa, cận hạn hoặc hết hạn như bánh kẹo, củ quả, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm… do nước ngoài sản xuất vào Việt Nam tiêu thụ.

Ngoài ra, do quy định thủ tục xuất - nhập khẩu hàng hóa thông thoáng, nên trong quá trình kê khai hải quan, đối tượng buôn lậu thường kê không đúng số lượng, chủng loại, mã hàng hóa... Thông tin về tình trạng này, Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Một số đối tượng đã đặt sản xuất hàng giả mang thương hiệu Việt Nam hoặc nước ngoài tại Trung Quốc, sau đó nhập lậu về Việt Nam tiêu thụ. Đặc biệt phải kể đến trường hợp thuốc chống ung thư do Cuba sản xuất. Thuốc có giá rất cao và có nhu cầu tiêu thụ lớn nên các đối tượng đã đặt sản xuất tại Trung Quốc, sau đó dán nhãn mác Cuba để tiêu thụ.

Máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Nhật Bản cũng được nhập lậu vào Việt Nam với số lượng tương đối lớn, trị giá lên tới hàng trăm triệu USD. Gần đây nhất, Công an Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện 6 container máy móc đã qua sử dụng được nhập lậu vào Việt Nam. Đáng chú ý, qua đấu tranh, Công an thành phố phát hiện trước đó có hàng trăm container máy móc khác đã được nhập vào nước ta. Theo Thiếu tướng Đinh Văn Toản, các đối tượng buôn lậu lợi dụng kẽ hở của Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13-11-2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng để "nâng đời" cho máy móc cũ, hết hạn sử dụng vào Việt Nam.

Đặc biệt, Công an thành phố còn phát hiện tình trạng cán bộ chống buôn lậu tiếp tay cho hoạt động này.

Tăng cường công tác phối hợp

Theo Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 Hà Nội Chu Xuân Kiên, tình trạng buôn lậu, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp do hệ thống văn bản pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài không rõ ràng nên khó áp dụng trong quá trình phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý…

Ông Vũ Văn Hồng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hà Nội chia sẻ: Dù đã có quy chế phối hợp nhưng lực lượng nào cũng nói có bí mật riêng, nếu không chia sẻ thông tin và tin cậy lẫn nhau sẽ rất khó trong đấu tranh. Liên quan đến vấn đề này, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng BCĐ 389 quốc gia đề nghị, BCĐ 389 Hà Nội xây dựng chương trình công tác, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả đấu tranh.

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu đạt được hiệu quả cao hơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban BCĐ 389 Hà Nội Lê Hồng Sơn chỉ đạo: Từ nay đến cuối năm, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, vận chuyển, giết mổ gia cầm, rượu, thuốc lá, thức ăn đường phố… Đồng thời, tăng cường phối hợp đồng bộ trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu; chủ động cung cấp thông tin, đề xuất kiểm tra theo lĩnh vực, ngành mình quản lý và cơ quan chủ trì, có sự tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng khác. Cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực; sẵn sàng điều chuyển, thay thế người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài, nghiêm trọng hay có biểu hiện bao che, dung túng cho những hành vi này.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng của BCĐ 389 Hà Nội đã thanh, kiểm tra 19.057 vụ, xử lý 12.162 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, tăng 1.033 vụ so với cùng kỳ năm ngoái; đã khởi tố hình sự 42 vụ đối với 48 bị can. Tổng thu nộp ngân sách 1.569,577 tỷ đồng, tăng 172,53 tỷ đồng so với cùng kỳ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buôn lậu, gian lận thương mại - Vẫn “nóng”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.