Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi lòng ai tỏ

Duy Chánh| 09/11/2013 06:53

(HNM) - Mỗi bệnh nhân một vẻ, người thẫn thờ, sợ hãi, hay lầm lỳ, hung hãn, lại có trường hợp suốt ngày nói, cười lảm nhảm... Trong môi trường như vậy, đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức phải vượt lên mọi khó khăn, trở ngại để điều trị, chăm sóc người bệnh.

Nghề nguy hiểm, mệt nhọc

Dẫn chúng tôi đi "mục sở thị" những công việc hàng ngày của cán bộ, nhân viên y tế nơi đây, vừa đi, bác sĩ Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức vừa tâm sự: Tâm thần không phải là bệnh do nhiễm trùng, với hàng trăm dạng khác nhau và cũng do vô số nguyên nhân xô đẩy con người thành điên dại. Có thể là do đổ bể trong làm ăn; thất bại, vỡ mộng trong học hành, thi cử; cũng có khi con đường tình duyên lứa đôi trắc trở. Có người trầm cảm do vợ chết, mất việc làm; sầu uất, khóc cũng không khóc, cười cũng chẳng cười, suốt ngày ngồi trầm ngâm mở to đôi mắt nhìn trời, nhìn đất. Có cô ôm mộng một cuộc sống đổi đời, vay mượn, phát tán hết cơ nghiệp nghèo khó để kiếm được việc làm ở bên xứ người nhưng không thành. Có người rất trẻ, bình thường nhìn mặt chẳng ai nghĩ là người thần kinh, lúc lên cơn lại ôm mặt khóc, gào thét: "Tôi là thằng hư hỏng, nghiện ngập, không xứng đáng với bố mẹ. Tôi phải chết. Tôi phải chết...". Những người phải vào điều trị tại đây thường là bị rối loạn trầm cảm thuộc dạng nặng, tâm thần phân liệt, chậm phát triển tâm thần, động kinh, mất trí tuổi già, tư duy lộn xộn, nhiều khi không làm chủ được hành vi, lời nói của mình và trong tình trạng bị kích động mạnh là đập phá. Những trường hợp này, tiếp xúc, điều trị bệnh hết sức khó khăn, vất vả, thậm chí rất nguy hiểm.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức chăm sóc cho bệnh nhân.


Quả thực, có đến các khoa, vào từng phòng bệnh tiếp xúc, trò chuyện với những người tâm thần chẳng ai giống ai trên đời, mới thấy hết được sự kỳ công và quá vất vả của các bác sĩ, điều dưỡng viên, y tá, hộ lý Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức. Chỗ thì người bệnh không tự ăn được, nhân viên y tế phải cầm bát cơm đứng bên bón cho ăn; đằng kia, các hộ lý động viên, dỗ dành, cưng nịnh như một đứa trẻ để bệnh nhân ăn hết suất cơm: "Ăn đi cho khỏe, mau ra viện để còn đi chơi với người yêu chứ...!". Những bệnh nhân chống đối, không ăn thì lại phải tìm mọi cách và có mẹo để cho họ ăn. Có bệnh nhân vệ sinh cá nhân cũng không tự phục vụ được, chẳng ai khác ngoài các cô, các chị hộ lý, y tá giúp đỡ. Không ít người bệnh lên cơn lại phải nịnh thì mới nghe: "Vào đây kiểm tra sức khỏe để người nhà đến đón...". Sau khi được tiêm một liều thuốc, ngủ một giấc, dậy lại tỉnh táo bình thường. Cứ như vậy, ngày nào cũng như ngày nào, các nhân viên y tế phải tổ chức cho các bệnh nhân ăn 3 bữa: Sáng, trưa, chiều và 2 lần uống thuốc. Ngoài ra, mỗi tuần người bệnh được các hộ lý, y tá, điều dưỡng viên cắt tóc, cắt móng chân, móng tay, cạo râu cho 2 lần. Trong quá trình chăm sóc, điều trị, các thầy thuốc không những không nhận được sự hợp tác của người bệnh mà còn thường xuyên bị chửi bới, thậm chí còn bị các bệnh nhân tấn công, đánh đập bất cứ lúc nào. Còn chuyện hộ lý, y tá, điều dưỡng viên bị bệnh nhân trêu ghẹo diễn ra như cơm bữa. Nếu thiếu sự thông cảm, độ lượng, cố chấp và không "lựa chiều" trong điều trị thì không thể làm việc, tồn tại được ở môi trường như thế này và không bao giờ điều trị khỏi bệnh cho bệnh nhân.

Những tấm lòng nhân hậu

Bước sang năm 2013, y sĩ Nguyễn Thị Chang, phụ trách Khoa Bệnh nhân nữ vừa tròn 30 năm gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Ai cũng bảo, cần mẫn, kiên trì như y sĩ Chang xứng đáng được thưởng huân chương. Để nhận được những lời khen ngợi đó, chị Chang phải trải qua một chặng đường dầu dãi nhọc nhằn, vượt qua chính mình. Chị kể: "Trước đây, khi bệnh viện chưa có tường bao, bệnh nhân thường xuyên bỏ trốn. Mỗi lần như thế, các nhân viên y tế phải chạy theo hàng chục kilômét mới đưa được họ về điều trị tiếp. Nhiều bệnh nhân cho uống thuốc không những không uống mà còn cầm cốc nước hắt thẳng vào mặt y tá, điều dưỡng... Đối với Khoa Bệnh nhân nữ thì khổ nhất là thời điểm chu kỳ của người phụ nữ, lúc đó bệnh nhân hay bị kích động, rất vất vả các y tá, hộ lý, điều dưỡng mới chăm sóc, điều trị được cho họ".

Cũng gần 30 năm gắn bó với công việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần, Điều dưỡng trưởng Khoa Bệnh nhân nam 2 Trần Thị Vịnh tâm sự: Mặc dù rất có kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân tâm thần, nhưng chị cũng đã nhiều lần bị họ tấn công, đuổi đánh. Có người còn cầm dao đuổi đánh tất cả bác sĩ, điều dưỡng, y tá, hộ lý của bệnh viện. Nếu không có lòng nhân ái, bao dung, nhẫn nại thì không thể làm việc được ở môi trường này. Dù thời gian công tác ít hơn nhiều chị Chang, chị Vịnh, nhưng Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức Khuất Thị Chiêm cũng đã nếm đủ nỗi vất vả của công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần. Sau 2 năm công tác tại Trạm Y tế xã Phúc Lâm (Mỹ Đức), năm 1995, chị Chiêm chuyển công tác về Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức. Theo chị Chiêm: Điều quan trọng nhất đối với những thầy thuốc, nhất là các điều dưỡng viên, hộ lý, y tá chăm sóc bệnh nhân tâm thần là phải có tình thương yêu con người, thật sự yêu nghề và coi người bệnh như người thân trong gia đình.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Mặc dù Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã có nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút bác sĩ về làm việc, rồi tạo nguồn tại chỗ bằng cách hỗ trợ tiền học phí cho những ai đi học chuyên tu, liên thông, song bác sĩ vẫn rất thiếu. Hiện tại, Bệnh viện được giao chỉ tiêu 220 giường bệnh, được biên chế thành 12 khoa, phòng, nhưng chỉ có 169 cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ lý; trong đó có 17 bác sĩ bằng một nửa định biên được giao. Không những vậy, cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị y tế của bệnh viện vừa thiếu thốn, vừa xuống cấp. Một số khoa, phòng đã bị bong tróc vôi tường, trần nhà bị nứt, dột nát; cửa gỗ sập xệ, xuống cấp, không bảo đảm cho công tác phục vụ người bệnh. Bệnh viện cũng chưa có nhà phục hồi chức năng, chưa có hệ thống xử lý chất thải...

Theo Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức Nguyễn Quốc Thắng, khó khăn nhất hiện nay là chế độ ăn của bệnh nhân quá thấp, cho dù bệnh viện đã nhiều lần đề nghị thành phố Hà Nội điều chỉnh tăng tiền ăn, song chưa được đáp ứng. Hiện chế độ ăn mỗi ngày của một bệnh nhân có 10.000 đồng, bao gồm cả tiền mua chất đốt. Chính vì vậy, vào những ngày tết, lễ, lãnh đạo bệnh viện thường phải vận động cán bộ, nhân viên mỗi người ủng hộ ít nhất 10.000 đồng để cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân. Khó khăn là vậy, song bệnh viện luôn cố gắng khắc phục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tỷ lệ khỏi bệnh cao, nhiều bệnh nhân được bình phục hoàn toàn. Ngoài ra, Bệnh viện còn phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã quản lý, điều trị duy trì cho 6.237 bệnh nhân đang sinh sống tại cộng đồng. Ngoài ra, điều băn khoăn với các thầy thuốc ở đây là bên cạnh những người miệt mài, ngày đêm chăm sóc bệnh nhân thì cũng có nhiều gia đình đã xa lánh, bỏ rơi con em họ. Không quan tâm đến các thầy thuốc là một lẽ, đằng này, khi được điều trị khỏi bệnh, tỉnh táo trở lại, bệnh viện báo gia đình đón về, nhưng cũng chẳng ít gia đình tìm cách thoái thác. Có trường hợp bệnh viện thuê xe, cử cả nhân viên y tế đưa về tận nhà, thế mà có gia đình còn chối từ, ngoảnh mặt làm ngơ..., đổ vấy cho bệnh viện nhầm người, nhầm tên, nhầm địa chỉ... Thậm chí có trường hợp 'thả" bệnh nhân vào phòng khám rồi bỏ đi và không một lần trở lại. Chẳng còn cách nào khác, bệnh nhân lại quay về trong sự đùm bọc, yêu thương của tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lòng ai tỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.