Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ốc đảo nơi thành phố

Chí Kiên| 30/05/2014 06:22

(HNM) -

Mênh mang nước

Đứng trên con đò tròng trành giữa sông Hồng, phóng tầm mắt về phía xã đảo, nhấp nhô trong màu xanh ngút ngàn của cây ngô, cây chuối... là những ngôi nhà cao tầng mái ngói đỏ tươi. Người dân xã đảo nói rằng, ở Minh Châu có hai thứ chưa bao giờ thay đổi kể từ khi lập làng, lập ấp đến nay là con người và việc đi lại. Người đầu tiên đến khai hoang khẩn hóa tại Minh Châu có gốc từ thôn Liễu Châu, thuộc xã Phú Châu và Chu Chàng, Chu Châu (gốc gác ở xã Chu Minh ngày nay). Hàng trăm năm vẫn vậy, họ vẫn là những con người hiền hậu, sống thân thiện với thiên nhiên và sông nước. Xã đảo có chiều dài 5km, rộng từ 1km đến 2,5km quanh năm "mùa nào cây đó", và luôn được phủ một màu xanh mát mắt của cây cối, hoa màu.

Xã đảo Minh Châu bốn bề mênh mang nước.


Nằm gọn trong bãi bồi giữa sông Hồng, Minh Châu là địa phương duy nhất ở Hà Nội được coi là "xã đảo". Theo miêu tả của Chủ tịch xã Nguyễn Công Thành thì "xã đảo có hình dáng một con thuyền đang vươn mình giữa dòng sông cuộn chảy". Người trong làng kể lại rằng, "con thuyền" Minh Châu thường gọi là bãi Chàng, được dòng sông Mẹ đắp bồi hơn 500 năm qua. Ban đầu, ở đây chỉ là một bãi nổi, mỗi năm bồi thêm một lớp phù sa màu mỡ và cứ thế diện tích tăng dần. Xã bị cô lập vào mùa nước lũ, khi ấy bốn phía mênh mang, ở phía đông bãi là một nhánh sông Hồng (người dân thường gọi là sông Đường) có nước lũ từ tháng năm đến tháng mười âm lịch; ở phía tây là dòng chính sông Hồng nước chảy quanh năm. Với vị trí "độc nhất..." như vậy nên từ xa xưa và đến tận ngày nay, phương tiện đi lại duy nhất và cũng chưa khi nào thay đổi của người dân trong xã là qua lại đò ngang. Chị Huế, người dân ở xóm 1 nói: "trước đây bến đò có đâu được như bây giờ, đò nhỏ, đường xuống bằng đất, giờ thì đò làm bằng sắt, lớn hơn, đường đi lại cũng được đổ bê tông".

Hơn 30 năm làm cán bộ ở Minh Châu, Chủ tịch Nguyễn Công Thành hiểu hơn ai hết nỗi khốn khó của người dân ốc đảo khi phải đối mặt với "thủy quái" - mỗi độ sông Hồng mùa nước nổi. Ốc đảo nằm ngay phía dưới điểm hợp lưu của 3 dòng sông lớn là sông Hồng, sông Đà và sông Lô. "Hằng năm, vào quãng tháng Sáu và tháng Bảy âm lịch nước lũ tràn ngập bãi. Có năm lũ lớn ngập cả cửa nhà, làm hư hại mùa màng như năm 1945, 1971, 1997... Vì thế nhà nào cũng có thuyền, có gác xép để chạy lũ" - ông Thành cho biết thêm. Nhưng đó là chuyện của mấy chục năm về trước. Bây giờ không mấy khi nước tràn vào nhà nhưng khi nước lớn, dòng sông chảy xiết vẫn xói lở hai phía bãi ven sông, có nơi nước mạnh xoáy thành đầm, thành vụng và hình thành những bãi cát mấp mô. Chủ tịch Nguyễn Công Thành phân bua: Vì thế mà diện tích đất canh tác và nghề trồng trọt, chăn nuôi của nhân dân thường không ổn định. Chính quyền và người dân tính toán xem nên trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp.

Một cây cầu

Với địa thế bốn bề sông nước nên dù thời tiết vào kỳ nắng nóng, nhưng chạy xe trên ốc đảo chúng tôi đã cảm nhận rõ một không khí mát lành. Ở khu vực ven sông Hồng về phía tây xã đảo là vùng đất bãi trồng rau, trồng cỏ nuôi bò trải dài tít tắp. Con đường độc đạo đã được bê tông hóa rộng rãi, chắc chắn. Đưa tôi ra thăm bãi, Chủ tịch MTTQ xã Minh Châu Nguyễn Thị Thanh Hải nói, "Ở đây người dân không mấy khi nói chuyện riêng mình nên trong câu chuyện phải thực sự khéo léo. Khi vào thăm mô hình nuôi bò của anh Nguyễn Chí Sang, dù rất cởi mở đón khách nhưng để nghe anh nói về mô hình kinh tế đang theo đuổi không đơn giản chút nào. Đấu thầu 3ha đất bãi trồng cỏ voi nuôi bò sữa và trồng 2.500 gốc chuối tiêu hồng, anh Sang cho biết: "Hơn 10 năm làm đất bãi nhưng phải đến khi trồng cỏ nuôi bò mới thấy rõ hiệu quả kinh tế". Anh Sang là một trong những hộ có quy mô nuôi bò sữa vào loại nhất nhì ở xã Minh Châu với 18 con, trong đó có 12 con đang cho sữa (năng suất đạt từ 21 đến 22 kg/con/ngày trong chu kỳ 10 tháng/năm). Với giá thành sữa hiện tại là 13.000 đồng/kg sữa, anh Sang có doanh thu vào khoảng 3 triệu đồng/ngày. Vợ chồng anh Đỗ Công Hùng - Nguyễn Thị Ngà có nhiều niềm vui hơn vì từ nghề chăn nuôi bò thịt đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, trị giá đến 1 tỷ đồng. Các con anh Hùng cũng chăm ngoan, học giỏi, con gái Đỗ Kim Phượng đang học Khoa Sư phạm Đại học Quốc gia Hà Nội, con trai Đỗ Công Tuấn học Đại học Giao thông vận tải. Anh Hùng nói: "Trước đây nuôi bò thịt nhưng giờ đang chuyển dần sang nuôi bò sữa vì cho giá trị kinh tế cao hơn. Tôi đã mua được 3 con trị giá 200 triệu đồng, dự tính thời gian tới sẽ tăng lên 10 con bò sữa". Nói về nghề, anh Hùng tự tin cho biết vợ anh - chị Nguyễn Thị Ngà là một trong những người chăn nuôi bò giàu kinh nghiệm ở Minh Châu. Vì thế mà chị Ngà đã trở thành người đại diện của Thủ đô Hà Nội tham gia hội thi chăn nuôi bò lai Sind giỏi khu vực phía Bắc và đoạt giải nhất.

Người dân xã Minh Châu không trồng lúa, khoảng 1.400 hộ dân trên xã đảo đang canh tác với diện tích gần 300ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng các loại cây như ngô, đậu tương, đậu đen, đậu xanh, rau các loại, ớt, cà gém và cỏ voi với hệ số sử dụng đất đạt khoảng 2,5 lần. Tận dụng lợi thế đất bãi, nguồn thức ăn phong phú, ngành chăn nuôi phát triển mạnh, trong đó đàn bò với gần 3.000 con; đàn lợn gần 7.000 con, đàn gia cầm 25.000 con... Hiện nay xã đã hình thành một số trang trại chăn nuôi ngoài khu vực dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường; quy hoạch và phát triển vùng sản xuất rau an toàn diện tích hơn 40ha... Chủ tịch xã Nguyễn Công Thành cho biết, thời gian tới xã Minh Châu tập trung phát triển kinh tế kết hợp hài hòa giữa trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, trong đó sẽ đưa chăn nuôi bò sữa, trồng rau an toàn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ước mong lớn nhất của người dân xã đảo là có một cây cầu nối với đất liền để thuận tiện cho việc giao thương hàng hóa. Hiện nay, hơn 6.500 con người ở Minh Châu phải trông chờ vào 2 con đò sắt nhỏ để đi lại hằng ngày. Mới đây, xã đã được đầu tư xây dựng con đường ngầm qua sông Đường nối với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc). Tuy nhiên, con đường này chỉ sử dụng được vào mùa khô, mùa lũ vẫn bị chia cắt. Ngoài khó khăn trong giao thương hàng hóa, học sinh cấp THPT trong xã cũng phải "lụy đò" để học chữ. "Học sinh, cán bộ hành chính muốn đi học, đi làm đúng giờ luôn phải đi sớm hơn hàng giờ đồng hồ để tránh trường hợp lỡ đò. Nếu mà về muộn hơn 6 giờ chiều thì phải chạy xe hơn 20km ngược lên phía Vĩnh Thịnh, sang huyện Vĩnh Tường mới về được đến nhà"- anh Hưng, một người dân xã Minh Châu cho biết.

Có lẽ có hai sự kiện trong khoảng hơn chục năm trở lại đây đã làm thay đổi cuộc sống người dân xã đảo, đó là năm 2000, Minh Châu là xã cuối cùng của tỉnh Hà Tây (cũ) có điện thắp sáng; và năm 2005 Minh Châu có điện thoại không dây và trạm phát sóng viba mini. Trước khi sang đò để về "đất liền", tôi hỏi chàng thanh niên Nguyễn Chí Sang, ước mong lớn nhất của người dân bây giờ là điều gì, anh trả lời ngắn gọn, rành rẽ: "Chúng tôi ước có một cây cầu, hoặc ít nhất là một con phà hiện đại. Đất Minh Châu tốt lắm, cắm cây gì xuống cũng được ăn, nếu thuận đường đi lối lại thì dân Minh Châu chẳng mấy chốc mà ăn nên làm ra".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ốc đảo nơi thành phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.