Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện cảm động ở “làng phong”

Chí Kiên| 05/07/2014 06:53

(HNM) - Nơi này từng được gọi là


"Làng phong" thương yêu

Căn phòng rộng 50m2 của ông Đỗ Văn Chí và bà Đỗ Thị Tẹo có đầy đủ tiện nghi dành cho một gia đình nhỏ. Giữa hai chiếc giường một để ông bà nằm nghỉ là chiếc ti vi 21 inch và bộ bàn ghế uống nước nhỏ gọn. Trên tường, một khung tranh treo trang trọng, những hình ảnh sum họp hạnh phúc của đại gia đình ông Chí, bà Tẹo. Đi sâu vào phía trong căn phòng có khu bếp, nhà vệ sinh khép kín và một phòng nhỏ chứa các vật dụng sinh hoạt hằng ngày được sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng.

Buổi sinh hoạt văn nghệ của người bệnh tại Khoa Điều trị phong.


Chủ nhân ngôi nhà năm nay bước sang tuổi 86, tai đã kém, vì thế khi trò chuyện, chúng tôi phải nói như hét vào tai ông. Hai vợ chồng ông Chí quê ở xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, là hai trong những người đầu tiên "gắn bó" với trại phong ngay từ khi thành lập vào năm 1968. Chừng ấy năm đi qua, hai vợ chồng ông lão nương tựa nhau, sẻ bùi chia ngọt, vượt qua những đớn đau bệnh tật, những ghẻ lạnh của người đời để có cuộc sống yên ổn. Ông Chí xúc động, giọng chậm rãi nói: "Vợ chồng tôi không may mắc quái bệnh nên phải lên đây để chữa. Hơn nửa đời người sống ở nơi "cùng trời cuối đất" này không phải chuyện chơi. Vì hoàn cảnh mà những người bệnh như chúng tôi đã biết đùm bọc lấy nhau và được các thầy thuốc chăm sóc tận tình, chu đáo. Cứ như thế, chúng tôi đã vượt qua từng ngày, từng tháng, từng năm để sống vui vẻ và hòa nhập với cộng đồng".

Chia sẻ về gia đình mình, ánh mắt sáng lên, miệng cười tươi, ông kể với chúng tôi về những người con, người cháu đang sinh sống ở quê nhà đầy tự hào. Người con trai lớn của ông Chí là Đỗ Văn Tuệ đang làm trang trại có thu nhập khá ổn định, các cháu, chắt nội ngoại cũng đều chí thú làm ăn, chăm ngoan, học giỏi. Khi được hỏi xa con, xa cháu bao năm có nhớ quê nhà không, ông Chí ngừng trong giây lát rồi cất giọng khản đặc: "Tôi rất nhớ quê hương, nhớ gia đình, nhớ hàng xóm láng giềng. Hàng tuần các con, các cháu của tôi vẫn lên thăm, động viên ông bà chữa bệnh cho tốt. Chiếc tivi này là của chúng nó mua cho tôi đấy!".

Ở "làng phong", câu chuyện tình đẹp của ông Nguyễn Văn Vân (74 tuổi) và bà Trần Thị Khánh (64 tuổi) vẫn được những y, bác sĩ và người bệnh nhớ như in. Một người sinh ra ở Thường Tín, một người ở Đan Phượng, họ có cùng một điều không may mắn là mắc bệnh phong, phải vào "làng" điều trị từ năm 1975, bỏ lại phía sau bao ước mơ, hoài bão dang dở. Trải qua 9 năm chữa bệnh ở "làng", từ chỗ quen nhau, mến nhau rồi đồng cảm, đến năm 1984, họ đã gắn kết và hợp thành một gia đình hạnh phúc. Ông Vân bộc bạch: "Khi ấy đám cưới của chúng tôi diễn ra ở quê dù đơn giản nhưng ngập tràn hạnh phúc. Hai bên gia đình rất vui khi biết chúng tôi cùng chung cảnh ngộ, đã vượt qua mọi định kiến để đến với nhau". Trở lại "làng phong" sau ngày cưới, hai người được tạo điều kiện cho mượn đất canh tác và đã cất được một căn nhà nhỏ để có nơi ăn chốn ở. Đến năm 1986, niềm vui vô bờ đến với gia đình nhỏ và cả "làng phong" khi ấy, đó là đôi vợ chồng trẻ hạ sinh một bé gái, đặt tên là Nguyễn Thị Vi. Niềm vui chưa dừng ở đó, năm 1992 người con gái thứ hai tên là Nguyễn Thị Ngát của ông bà chào đời. Vượt qua nỗi đau bệnh tật và cả những thành kiến, ông Vân, bà Khánh đã kiên trì nuôi con trưởng thành với tất cả tình yêu thương. Bà Khánh tự hào nói: "Cháu Vi đang làm công nhân và đã xây dựng gia đình ở Chúc Sơn, Chương Mỹ. Cháu Ngát đã tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Hà Đông và vừa qua, đã thi đỗ viên chức vào Bệnh viện Da liễu Hà Nội". Ông Vân khoe với chúng tôi rằng, sắp tới cháu Ngát sẽ về chính nơi bố mẹ đang chữa bệnh để công tác. Ngát về Khoa là tin vui của cả "làng", là niềm phấn khởi không chỉ dành riêng cho gia đình cháu mà còn khích lệ mỗi người bệnh cũng như tất cả y, bác sĩ đang công tác ở đây.

"Chúng tôi là một gia đình"

Bác sĩ Trần Đăng Ninh về Khoa Điều trị phong từ tháng 5-1988. Ngần ấy thời gian gắn bó với bệnh nhân phong đã để lại cho ông Ninh những kỷ niệm không thể nào quên. Nhớ về những ngày đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp, bác sĩ Ninh kể: "Trước khi tới đây, tôi không thể hình dung nổi khu này lại hoang vắng và xập xệ đến thế. Đường chính đi vào khu chỉ là một lối mòn tí tẹo, đủ một người đi, hai bên cây dại mọc lút đầu người. Các căn nhà cấp 4 lợp ngói Sông Cầu, thấp lè tè, là nơi chữa bệnh, làm việc của y bác sĩ, mưa thì dột khắp nơi, nắng thì nóng hầm hập". Ông Ninh kể: "Đã có lúc đang chữa bệnh cho bệnh nhân thì trời đổ mưa to, chúng tôi phải đội mưa cùng nhau căng bạt là những mảnh giấy bóng để chống dột, sau đó mới tiếp tục công việc. Còn nữa, nhiều người vẫn còn tâm lý xa lánh người bệnh phong nên con cháu của họ cũng bị vạ lây. Vì thế mà trong 3 năm (1992-1995), ngay tại "làng" đã mở một lớp học ghép đặc biệt cho 8 em là con cháu người bệnh. Đến năm 1995, khi đưa số học sinh này về học tại Trường Tiểu học Hòa Thạch B thì phải mất một năm sau, tức năm 1996 các cháu mới hòa nhập được với các bạn trong lớp. Đến nay, 8 cháu đã trưởng thành, nhiều người ra công tác ở chính quyền địa phương, làm giáo viên, bác sĩ, xây dựng trang trại... Trong đó, có trường hợp em Nguyễn Thị Ngát như đã kể ở trên.

Riêng với bác sĩ Ninh, kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần chở bệnh nhân Nguyễn Thị Hoa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. "Buổi chiều hôm đó, tôi cùng y tá Nguyễn Thị Liên và một số người bệnh khỏe mạnh đã tự làm một chiếc cáng bằng tre, cho bệnh nhân Hoa nằm trên võng rồi dùng hai chiếc xe đạp nối hai đầu cáng để chuyển bệnh nhân. Suốt đêm, đến sáng thì tới nơi, bệnh nhân Hoa được cứu sống, bây giờ bà đã 78 tuổi và vẫn khỏe mạnh" - bác sĩ Ninh nhớ lại.

Bà Hoa là người thứ 11 về "làng" trong đợt tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên của khu chữa bệnh phong tại xã Đông Yên nên thấm thía và hiểu hơn ai hết những hắt hủi mà người đời từng dành cho họ. Nhưng vượt lên trên tất cả, giờ đây họ đã có cuộc sống đầy ắp tình thương yêu, sống gần gũi với bạn bè, làng xóm, người thân. Bà Hoa nghẹn ngào nói: "Chúng tôi sống như một gia đình. Người bệnh coi nhau như anh em ruột thịt. Bác sĩ coi chúng tôi như bố mẹ, chăm sóc tận tình đến từng bữa ăn, giấc ngủ".

Bỏ lại những gian khổ phía sau, giờ thì Khoa Điều trị phong đã được đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại. Cuộc sống của những con người nơi đây đã bước sang trang mới, họ được làm việc, chữa bệnh, sinh sống trong những căn nhà mới xây đầy đủ tiện nghi. Và hơn hết, họ được mọi người quan tâm, chia sẻ và đồng cảm, hoàn toàn không còn những dị nghị, kỳ thị nữa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện cảm động ở “làng phong”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.