Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến tranh đã lùi xa

Đỗ Trọng Quang| 04/04/2015 07:05

(HNM) - Trong những cái tên làm rạng ngời truyền thống không quân Việt Nam bên cạnh những Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Đức Soát, Phạm Tuân, Nguyễn Văn Cốc… là những Phạm Ngọc Lan, Vũ Đình Rạng, Nguyễn Hồng Mỹ, bởi chiến công của họ đều gắn với chữ

Với chiếc MIG-17, phi công Phạm Ngọc Lan là người bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên vào ngày 3-4-1965, khẳng định chiến thắng trận đầu của không quân Việt Nam; Vũ Đình Rạng là người đầu tiên đã dùng tên lửa không đối không bắn trúng pháo đài bay B52 và Nguyễn Hồng Mỹ là người lập chiến công đầu tiên cùng đồng đội đập tan tham vọng ngông cuồng của không lực Hoa Kỳ trong chiến dịch không kích miền Bắc Việt Nam năm 1972…

Ông Nguyễn Hồng Mỹ (người bên phải) gặp lại viên phi công người Mỹ lái chiếc F4C bị ông bắn hạ.



Bất ngờ, táo bạo làm nên chiến thắng

Vượt qua dốc Bác Cổ, theo con đường nhỏ ở khu lao động thuộc phố Cầu Đất (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chúng tôi tìm đến ngôi nhà xây theo kiểu cũ ở con ngõ số 2. Đây hiện là nơi cư ngụ của ông Nguyễn Hồng Mỹ, thương binh 4/4 - người đầu tiên bắn rơi "con ma - F4C" của không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc trong Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972. Dù đã vào cái tuổi "Cổ lai hy", nhưng trông ông Mỹ vẫn cường tráng, đậm phong cách "ngang tàng"…

Phi công Nguyễn Hồng Mỹ cho biết, ông sinh năm 1946, nhập ngũ ngày 1-7-1965 và được chọn sang Liên Xô (cũ) học lái máy bay chiến đấu MIG-21, cùng lứa với các phi công Vũ Xuân Thiều, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Lê Thanh Đạo, Phạm Phú Thái… Đến tháng 3-1968 thì hoàn thành khóa huấn luyện, về nước và chỉ sau vài ngày họ đã hăng hái tham gia chiến đấu.

Ông Mỹ kể: Tôi nhớ hôm đó là sáng 19-1-1972, biên đội tôi gồm 2 chiếc máy bay MIG-21 được lệnh xuất kích từ sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài). Tôi bay số 1 trên chiếc MIG mang số hiệu 5018, còn Thượng úy Lê Minh Dương bay vị trí số 2. Khi máy bay chúng tôi lên tới độ cao hơn 4.000m ở địa phận tỉnh Hòa Bình thì phát hiện một tốp máy bay địch có tới 16 chiếc ở phía bên trái, đang bay từ biển vào; đồng thời từ Đài chỉ huy báo có thêm 8 chiếc phía bên phải, đang bay từ phía Lào sang. Chúng tôi phát hiện thêm 1 tốp gồm 4 chiếc "con ma" nữa ở phía trên (ở độ cao hơn chúng tôi khoảng gần 1.500m) cự ly khá gần... Sau khi phân công cho Thượng úy Lê Minh Dương cảnh giới tốp máy bay địch phía bên trái tôi quyết định tăng tốc đuổi bám chiếc "con ma" vừa tách ra khỏi đội hình phía trên. Khi qua địa phận Thanh Hóa, tới Nghệ An, tôi đuổi gần kịp máy bay địch. Ở khoảng cách gần 4.000m tôi bắt đầu tăng độ cao vọt lên, và khi chiếc MIG đã đưa "con ma" vào tầm bắn, thì tôi lật cò. Tôi quyết định bấm cò 2 quả tên lửa liền một lúc. Một đám lửa to bùng lên, chiếc F4C bị gãy làm đôi, rơi rũ xuống như 2 tàu lá chuối. Tôi hét lên trong buồng lái "Cháy rồi!" và cảm thấy một sự rạo rực khôn tả… Ngay sau đó, tôi thấy đèn nháy đỏ, báo hiệu sắp hết nhiên liệu. Tôi vội vàng quay về và rất may còn kịp hạ cánh ở sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Anh em thợ máy cho biết, chiếc MIG-21 của tôi đã cạn dầu, và chỉ cần bay thêm vài phút nữa là sẽ tự rơi vì hết nhiên liệu…

Chiến công của phi công Nguyễn Hồng Mỹ hồi đó đã được báo chí trong và ngoài nước ca ngợi như sự khẳng định tinh thần kiên cường bất khuất của không quân Việt Nam non trẻ trước uy lực của không quân Hoa Kỳ. Ngay sau chiến công đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xuống binh chủng khen ngợi, động viên và ông Nguyễn Hồng Mỹ đã được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ.

Những đối thủ đã trở thành người bạn

Máy bay của Nguyễn Hồng Mỹ cũng đã từng bị bắn rơi trong một lần không chiến với 36 chiếc "con ma" và "thần sấm" của Mỹ. Khi nhảy dù, ông đã bị thương (gãy tay, xẹp 3 đốt sống) và không còn đủ sức khỏe để bay cùng "én bạc". Năm 1974, phi công Nguyễn Hồng Mỹ xuất ngũ, khép lại 9 năm binh nghiệp với nhiều huân, huy chương do Nhà nước trao tặng. Trở về đời thường, Nguyễn Hồng Mỹ cũng có những nỗi buồn riêng (ông ly hôn từ năm 1984 và ở cảnh "gà trống nuôi con" gần ba chục năm). Tuy nhiên, ông đã không để lãng phí thời gian bằng việc lao vào nghiên cứu học tập. Nguyễn Hồng Mỹ đã học qua 3 trường đại học (Ngoại ngữ; Luật và Tài chính) và nay ông có thể nói được 3 ngoại ngữ. Những lần sang Mỹ, ông không cần phiên dịch. Trước khi nghỉ hưu ông từng làm chuyên viên của Bảo hiểm Bảo Việt…

Cuộc đời đôi khi có những chuyện bất ngờ. Nguyễn Hồng Mỹ không thể nghĩ rằng, một ngày nào đó sẽ được gặp lại cả 2 viên phi công Mỹ từng có duyên nợ với ông: Đó là Dan Cherry (người đã bắn hạ ông) và John Stiles (người đã bị ông bắn hạ). Năm 2007, không quân Mỹ tiến hành tổng kết chiến tranh và muốn tìm lại người phi công đầu tiên đã bắn rơi máy bay Mỹ trong chiến dịch năm 1972. "Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam lúc ấy đã cung cấp tên tôi cho phía Mỹ, thế là họ đã tìm gặp tới tận nhà - ông Nguyễn Hồng Mỹ nhớ lại. Và năm 2008, tôi được mời vào TP Hồ Chí Minh để gặp một vị tướng không quân của Hoa Kỳ. Một sự trùng lặp rất hy hữu là viên tướng có tên Dan Cherry này lại chính là người đã từng bắn hạ tôi vào tháng 4-1972 tại Hòa Bình. Khi nhận ra nhau ông ta vẫn không quên việc những máy bay Mỹ phải quần thảo vất vả thế nào và phải bắn đến quả tên lửa thứ 6 mới hạ được chiếc MIG-21 của tôi…".

Đến nay, ông Nguyễn Hồng Mỹ đã được mời sang các thành phố ở Mỹ không dưới 6 lần. Năm 2009 ông đã được mời đến Mỹ để nhận chứng chỉ "Đại tá danh dự của bang Kentucky". Trong dịp này, sau 37 năm ông được gặp lại viên phi công lái chiếc F4C bị ông bắn rơi tại Nghệ An năm 1972. Đó là viên đại tá không quân John Stiles. Những nghi ngại, e dè của những người vốn ở 2 bên chiến tuyến trước kia nay dường như đã bị xóa nhòa. Thay vào đó là những cái bắt tay nồng ấm. Nhớ lại kỷ niệm xưa, John Stiles không thể tin được vào sự liều lĩnh và quả cảm của Nguyễn Hồng Mỹ khi không bật ra đa, mà chỉ bằng mắt thường và kinh nghiệm đã bám theo phía dưới để rồi bất thình lình vọt lên bắn rơi "con ma". Những điều mà không bao giờ có trong sách huấn luyện!

Tháng 3-2014, John Stiles lại sang thăm Việt Nam và đã đến Hà Nội. Ông Nguyễn Hồng Mỹ đã đón tiếp đối thủ trước đây của mình bằng 2 tô phở Bát Đàn ấm đậm tình bè bạn. Sau đó họ ngồi nhâm nhi café bên hồ Hoàn Kiếm để ôn lại quá khứ, nói chuyện gia đình, thời tiết như những người bạn đã lâu không gặp nhau... Họ cùng nhau đi dạo ở Bảo tàng Quân đội và Bảo tàng B52 (nơi còn lưu giữ được khá nhiều vết tích của chiến tranh). Đứng trước những chiếc MIG-21, MIG-17 của không quân Việt Nam bên cạnh xác chiếc máy bay B52 cả 2 nhìn nhau mỉm cười lặng lẽ, bởi giờ đây trong trái tim họ chiến tranh mãi mãi đã lùi xa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến tranh đã lùi xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.