Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chống “giặc lửa” - Không ngại hiểm nguy

Tiến Thành| 07/08/2017 06:16

(HNM) - Sự can đảm, quyết tâm chiến đấu với “giặc lửa” của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội được thể hiện trong từng giây phút khi trực chiến, chữa cháy.

Theo chân lính chữa cháy

20h45 ngày 2-8, còi báo động của Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 3 (Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) hú vang. Trực thông tin cho biết có sự cố cháy xảy ra tại nhà số 11, ngõ 201 đường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm). Chưa đến một phút sau, chiếc xe chữa cháy chuyên dụng đã lăn bánh lên đường làm nhiệm vụ. Trên xe, Đại úy Đỗ Tuấn Anh, Đội phó Đội chữa cháy và cứu nạn chuyên nghiệp (Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 3) liên tục dùng bộ đàm liên lạc với trung tâm 114 nhằm xác định tình trạng đám cháy và đường đi gần nhất tới hiện trường.

Chiến sĩ phòng cháy và chữa cháy thực hiện nhiệm vụ.


Ngay khi tới nơi, đơn vị lập tức triển khai đội hình trinh sát và trang thiết bị chữa cháy. Tầng 2 ngôi nhà chìm trong khói độc, ngọn lửa đang bùng phát mạnh nung nóng không gian càng khiến không khí trở nên ngột ngạt. Sau giây phút quan sát, phân tích tình hình, Đại úy Đỗ Tuấn Anh cùng tiểu đội chữa cháy nỗ lực áp sát đám cháy, phun nước dập lửa. Chỉ vài phút sau khi tiếp cận hiện trường, áo các chiến sĩ đã ướt đầm mồ hôi, trên mỗi khuôn mặt đều lấm lem muội than. Nhưng bù lại, ngọn lửa đã nhanh chóng bị lực lượng chữa cháy dập tắt hoàn toàn. Sau khi bàn giao hiện trường lại cho lực lượng cơ sở, tiểu đội chữa cháy rời khỏi hiện trường cùng những lời cảm ơn chân thành của gia chủ.

Dù công việc khó khăn, vất vả nhưng các chiến sĩ phòng cháy và chữa cháy đều rất yêu nghề. Tâm sự với chúng tôi, hạ sĩ Dương Nam Sơn (sinh năm 1997), chiến sĩ nghĩa vụ thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 3 nhớ lại: “Khi mới vào ngành, đang trong thời gian huấn luyện chúng tôi đã rất háo hức; thấy có xe chữa cháy của phòng đi làm nhiệm vụ thì dù nửa đêm cũng bật dậy ra ban công dõi theo, trong lòng thầm mong được tham gia cùng các anh”.

Theo hạ sĩ Dương Nam Sơn, khi "xung trận", chiến sĩ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải có tinh thần quên thân mình. Có những đêm mùa đông vừa đi chữa cháy về, đến cổng đơn vị thì lại nhận tin báo có cháy, vậy là anh lại cùng đồng đội lên đường dù quần áo đang ướt sũng và người thì run lên vì lạnh. Bản thân Sơn cũng đã bị thương trong một vụ cháy khi bị thanh sắt rơi đè lên vai. Sau 2 tháng nằm viện, anh lại tiếp tục trở về vị trí chiến đấu cùng đồng đội.

Thượng úy Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 3 cho biết, những người trong nghề bị thương trong quá trình chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là chuyện xảy ra thường xuyên. Có những chiến sĩ bị thương tật vĩnh viễn khi làm nhiệm vụ. Điển hình như Thượng sĩ Nguyễn Văn Quang (thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 7) đã được Bộ Công an ra quyết định công nhận thương binh với tỷ lệ thương tật 28% khi tuổi đời còn rất trẻ. Tay, chân và lưng Quang bị bỏng nặng khi chữa cháy tại xưởng nhựa ở xã Ninh Sở (huyện Thường Tín) vào tháng 10-2015. Khi hết thời gian nghĩa vụ, Quang được xét duyệt chính thức trở thành chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội.

Mong... thất nghiệp

Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 10 tin báo cháy. Thông tin này được nhanh chóng xử lý, xác minh và chuyển về cho các phòng chữa cháy quản lý địa bàn. Trung tâm 114 sau đó sẽ trực tiếp theo dõi hoạt động chữa cháy của các đơn vị qua hệ thống camera được kết hợp với Công an thành phố, bảo đảm xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ đến hiện trường kịp thời và đúng địa chỉ.

Thượng úy Nguyễn Đức Thắng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 3 cho biết, phòng luôn có 2 chiến sĩ trực điện thoại 24/24h để tiếp nhận thông tin. Sau khi nhận tin, chiến sĩ trực sẽ xác minh lại qua số điện thoại của người báo cháy rồi báo động chiến đấu. Theo quy định thì 1 xe chỉ huy và 2 xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cùng cán bộ, chiến sĩ phải lập tức lên đường tới hiện trường. “Dù chưa được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại như các nước tiên tiến trên thế giới, nhưng cán bộ, chiến sĩ của phòng phải bảo đảm đúng theo điều lệnh. Trong 1 phút sau khi báo động là người và phương tiện đã lên đường tới hiện trường” - Thượng úy Nguyễn Đức Thắng nói.

Không chỉ tại khu vực nội thành, nỗi lo về cháy nổ cũng đặt ra tại khu vực ngoại thành. Đại tá Đặng Duy Hưng, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy số 15 cho biết, phòng quản lý địa bàn các huyện Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức - nơi có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp với nguy cơ cháy nổ cao. Trước kia, tại đây đã xảy ra không ít vụ cháy gây thiệt hại nhiều về tài sản.

Tuy nhiên, gần đây các vụ cháy đã giảm khi phòng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”. Nhiều làng nghề đã thành lập các đội chữa cháy tại chỗ hoạt động rất hiệu quả. Vì thế, lực lượng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ không mất nhiều công sức dập lửa. Theo Đại tá Đặng Duy Hưng, phòng đang nghiên cứu để đề xuất thành lập một đội chữa cháy tại xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) nhằm bảo đảm an toàn cho mùa lễ hội chùa Hương.

Tình hình cháy nổ trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là vụ cháy mới đây tại huyện Hoài Đức làm 8 người chết, 2 người bị thương. Điều này đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cũng như trách nhiệm mới với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố.

Tuy nhiên, công tác phòng cháy chữa cháy không chỉ trông vào riêng nỗ lực của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy, mà cần có sự chung sức của các cấp chính quyền, chủ những cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, mỗi người dân phải có ý thức tự giác, cảnh giác cao trong phòng, chống “giặc lửa”.

Chỉ khi đó, mong muốn được… thất nghiệp - như cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tâm sự - mới trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống “giặc lửa” - Không ngại hiểm nguy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.