Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi niềm cán bộ tiếp dân

Hà Phong| 02/10/2017 06:11

(HNM) - Hơn 3 năm thực hiện Luật Tiếp công dân, số đoàn đông người từ khắp nơi trên cả nước đến trụ sở Tiếp công dân trung ương khiếu kiện vượt cấp với chồng hồ sơ dày cộm, thái độ bức xúc có xu hướng gia tăng.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn trong một buổi tiếp công dân.


Tiếp dân - nghề căng thẳng

Có lẽ, ít công việc nào lại "gây tổn hại thần kinh" như “nghề” tiếp dân. Cán bộ, công chức ngày làm 8 tiếng theo quy định, nhưng với cán bộ tiếp công dân thì quy chuẩn về thời gian dường như không có. Rồi khi cái “nghiệp” đã gắn vào thân khiến họ không ít lần phải đối mặt với những điều không mong muốn.

Ví như câu chuyện của ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân trung ương. Sáng 24-5-2016, như bao ngày khác, tới cơ quan làm việc thì bất ngờ bị một số người dân tập trung tại cổng trụ sở giữ lại, hỏi: "Ông có gọi được cho Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu ra Hà Nội hay không?". Đây là những dân cư lưu trú lâu ngày tại trụ sở và đã được cán bộ, tiếp giải quyết nhiều lần; Ban Tiếp công dân trung ương trực tiếp cùng lãnh đạo tỉnh đối thoại, song họ chưa đồng ý với cách giải quyết. Không đợi ông Điệp trả lời hết câu, cả nhóm lao vào túm tóc, xô ông ngã.

Trước đó không lâu, ngày 28-1-2016, chị Trần Thị Thu Hiền (Thanh tra Chính phủ) đang làm nhiệm vụ hướng dẫn ở phòng đăng ký thì bị bà Phạm Thị Thuận (tỉnh Thanh Hóa) bất ngờ rút dao đâm...

Sau hai vụ việc trên, Ban Tiếp công dân trung ương đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị có tổ công an thường trực để bảo vệ, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

“Chuyện cán bộ tiếp dân phải nghe những lời chửi mắng, sỉ nhục, thậm chí đe dọa tính mạng là thường ngày. Phải là người có tinh thần vững vàng mới làm nổi công việc này” - ông Điệp kể và cũng là đúc kết về sự căng thẳng mà công việc mình đang làm. Những lúc như vậy, câu nói “phải đặt mình là người dân để tiếp dân một cách trân trọng” luôn nhắc nhở những cán bộ tiếp dân phải vượt qua mọi khó khăn.

“Mỗi người dân đi khiếu kiện mang theo cảm xúc bị đè nén, có khi cán bộ tiếp dân là nơi để họ trút giận. Để giảm bớt khiếu kiện vượt cấp, mấu chốt vẫn là phải giải quyết kịp thời, ngăn chặn điểm “nóng” từ cơ sở ” - ông Điệp chia sẻ…

Tháo bức xúc từ gốc

Luật Tiếp công dân và các văn bản có liên quan quy định, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện ở hai cấp: Huyện và tỉnh. Trong đó, Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở Tiếp công dân ở trung ương ít nhất 1 ngày/tháng. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh ít nhất 2 ngày/tháng và với cấp xã ít nhất 1 ngày/tuần.

Trực tiếp chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho biết, nơi nào người dân bức xúc nhiều, nơi đó chưa làm tốt công tác tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan hành chính chưa làm tốt nhiệm vụ tiếp công dân, đối thoại để giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tìm hiểu từng vụ việc cụ thể, càng thấu hiểu tâm tư của người dân. Chẳng hạn, dữ liệu lưu trên hệ thống máy tính của Ban Tiếp công dân trung ương cho thấy: Trong 4 năm (từ 2013 đến 2016), bà Phạm Thị Hoài ở xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng, đại diện cho 14 hộ dân huyện An Dương đều được tiếp, giải quyết khiếu nại về việc chính quyền lập dự án, chia lô bán đất, nhiều người dân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nhưng 12 năm không được giao đất.

Phòng Tiếp dân trung ương đã có văn bản chuyển đơn đến UBND TP Hải Phòng, hướng dẫn người dân làm việc với Ban Tiếp công dân thành phố. Tuy nhiên, năm lần bảy lượt, người dân lên trung ương rồi trở lại thành phố và huyện, nhưng mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Tại Hà Nội, việc tiếp công dân của các cơ quan luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố chú trọng. Để bảo đảm công tác tiếp dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đồng bộ, thống nhất, UBND thành phố đã chủ động xây dựng và công bố bộ thủ tục hành chính và quy chế phối hợp giải quyết đồng bộ, thống nhất trên địa bàn; nắm bắt tình hình cơ sở; chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong tiếp nhận. Hằng tháng, lãnh đạo thành phố trực tiếp tiếp công dân, xem xét, kết luận cụ thể từng vụ việc.

Tuy nhiên, ở cấp cơ sở, qua kiểm tra đột xuất việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đầu năm 2017, Đoàn kiểm tra công vụ thành phố phát hiện phòng tiếp công dân UBND xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), UBND xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), UBND phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), UBND xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) không có người trực.

Cá biệt, UBND xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) không ban hành nội quy tiếp công dân, thời gian tiếp công dân của UBND xã và lịch trực của Chủ tịch UBND xã; UBND thị trấn Sóc Sơn không ban hành, niêm yết công khai thời gian tiếp công dân của UBND thị trấn và lịch tiếp công dân của Chủ tịch UBND thị trấn.

Từng tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân, luật sư Lương Quang Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư An Thái đánh giá, có những quyết định của tòa án không thuộc thẩm quyền địa phương hay Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, do không được giải thích cặn kẽ nên công dân vẫn tiếp tục có đơn lên cấp cao hơn...

Thực tế trên cho thấy, việc cấp thiết là có kế hoạch nâng “tầm” cán bộ ngay từ đầu nguồn xử lý đơn, thư và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng ngay trong quá trình sửa đổi Luật Tiếp công dân. Song song với đó cần có hệ thống đồng bộ về giải quyết đơn, thư từ trung ương đến cơ sở; công khai kết quả để cơ quan chức năng, người dân cùng giám sát.

Trong quá trình tiếp dân, ông Nguyễn Hồng Điệp còn nhận thấy, bên cạnh công tác quản lý kinh tế - xã hội tại một số địa phương và giải quyết ban đầu khiếu nại, tố cáo của nhân dân tại cơ sở có vấn đề, trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiệt thòi cho người dân có cả nguyên nhân về cơ chế, không hoàn toàn do cán bộ cố tình làm sai. Vì vậy, cùng với việc tổng kết Luật Tiếp công dân, cần rà soát lại những điểm mâu thuẫn, chồng chéo trong lĩnh vực đất đai, môi trường… để sửa đổi, khắc phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm cán bộ tiếp dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.