Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bản sắc làm nên thương hiệu

Xuân Trường| 24/10/2017 04:38

(HNM) - Trong 60 năm qua, Báo Hànộimới đã hội tụ, rèn đúc nhiều lớp nhà báo có chất, say nghề và tận tụy. Chính họ đã tạo dựng phong cách làm báo riêng - nghiêm túc, trí tuệ và giàu chất nhân văn - góp phần làm nên truyền thống rất đáng tự hào mang tên Hànộimới suốt 60 năm qua.

Phóng viên Báo Hànộimới tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa (tháng 1-2016).


Chất Hànộimới

Hình ảnh người Hà Nội đứng quanh bảng tin có dán báo ở nhiều con phố, đọc Báo Hànộimới in đậm trong tôi từ ngày cắp sách tới trường, rồi “duyên đời” (có thể nói như vậy vì ngày ấy chưa thi tuyển) đưa tôi đến Hànộimới. Những ngày đầu học việc ở ngôi nhà số 44 Lê Thái Tổ thật sự không thể nguôi quên và sẽ không quá lời nếu tôi gọi đó là “những ngày bão táp”. Sau những bài viết “Đường dây 500kV vô hình”, “Kính chuyển bên A” thu hút dư luận, Hànộimới có loạt bài phanh phui tiêu cực của một số cán bộ trong thương vụ Fokker - một loại máy bay chở khách hạng nhỏ. Không nhận sai, phía hàng không kiện lên cơ quan quản lý báo chí, nhà báo Nguyễn Triều được cơ quan công an mời lên hỏi ai cung cấp tài liệu… Cơ sự căng như dây đàn. Tôi “nằm lòng” câu nói của vị lãnh đạo cơ quan lúc ấy: Tớ sẵn sàng ra tòa cùng các cậu!

Ấn tượng sâu đậm về những con người sẵn sàng đi đến tận cùng sự thật, tận cùng chân lý, tôi gắng gỏi giữ cho mình ngọn lửa ấy để rồi “được dịp” khơi lên trong các đồng nghiệp trẻ.

Sau này, trong những câu chuyện nghề, nhà báo, nhà văn Trần Chiến (nguyên Trưởng ban Văn hóa - Xã hội) hơn một lần nói, “lứa chúng tớ được thừa hưởng nhiều ở các cụ…”, câu nói đó chứa đựng nhiều chiêm nghiệm. Hội tụ một “thế hệ vàng” gồm những nhà báo thành danh trước ngày “từng đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô”: Trương Uyên, Nguyễn Chính, Quang Cát, Hoàng Giáp...; những nhà báo cách mạng, giàu nhiệt huyết: Đinh Nho Khôi, Doãn Chiêm, Thanh Thủy...; những tên tuổi của làng văn hóa, nghệ thuật: Dương Linh, Yên Thao, Bùi Hạnh Cẩn... nên ngay từ số báo hằng ngày đầu tiên Hànộimới đã có phong cách rất riêng. Lớp nhà báo am tường, lịch duyệt này đã tạo ra lối làm báo nghiêm túc, trí tuệ, thấm đẫm tinh thần nhân văn của người Hà Nội trao truyền đến hôm nay, để Hànộimới luôn mang đến độc giả những trang báo giàu sức cuốn hút cả về giá trị thông tin và vẻ đẹp ngôn từ.

Chúng tôi không được tiếp xúc nhiều với “thế hệ vàng” của Hànộimới, nhưng may mắn vẫn mỉm cười, ở thời điểm định hình “chất nghề” trong mỗi người làm báo, tôi và nhiều đồng nghiệp được làm việc bên các cây bút: Trần Chiến, Nguyễn Triều, Vương Thức... Mỗi người một cung cách ứng xử, một phong cách tiếp cận..., lối viết cũng rất khác nhau, nhưng chung đam mê làm báo và mức độ nào đó là sự “cực đoan” trong nhìn nhận, đánh giá... Chuyện “thường ngày” không dừng ở: Chi tiết vô vị thế, đưa vào bài làm gì? Từ này thường quá, không khác được sao? Ý tứ chạy đâu hết rồi?... và đôi khi: “Được đấy” - Rất nghiêm khắc, cũng rất đời!

Chúng tôi - những thế hệ sau cứ thế lớn lên trong thử thách và rèn giũa ấy. Càng ngày, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn sự “đặc biệt” của ngôi nhà số 44 - Lê Thái Tổ, đó là đã dung hòa được những tính cách rất khác nhau trong nghề và đời để cái riêng của mỗi người cầm bút làm nên khí chất Hànộimới qua từng trang viết. Và với tôi, đó cũng là “chất” Hànộimới.

Hà Nội và mới

Hànộimới là một cái tên để trân quý, tự hào và cũng là tiêu chí lớn (Hà Nội và mới) để đeo đuổi cùng nghiệp cầm bút.

Hànộimới, như cách hiểu của tôi, trước hết phải rất Hà Nội, thấm đẫm phong cách người Hà Nội. Với Hànộimới, nhà báo, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong nói: “Nét đặc sắc không thể lẫn với bất kỳ báo nào là văn hóa của người Thăng Long - Hà Nội thể hiện trên mỗi trang báo. Dù là khen hay chê đều phải rất văn hóa. Ngôn ngữ đẹp, chính xác, văn phong phải tạo ra chuẩn mực về ngôn ngữ, thậm chí chuẩn mực cho làng báo. Đó chính là chất Hà Nội với tính đại chúng, đại diện cho giá trị chung của quốc gia, dân tộc chứ không phải của một nhóm người, hay chính người viết nên tác phẩm báo chí. Đó là thể hiện văn hóa Hà Nội, trình độ, đẳng cấp của Hà Nội...”. Rất đáng để nghĩ và rõ ràng đây không chỉ là chuyện của những người đồng nghiệp!

Có bạn nói với tôi, đời sống của thông tin trong thời đại công nghệ số quá ngắn ngủi nên điều cốt tử với người làm báo là bằng cách nhanh nhất đưa thông tin đến độc giả, còn nét đẹp ngôn từ, tầm văn hóa có thể để xuống hạng hai. Tôi nghĩ khác, một tin ngắn hay một lời bình đều hàm chứa những yếu tố văn hóa, do vậy, cần được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ chuẩn mực, giàu tri thức. Với người làm Báo Hànộimới càng không thể dễ dãi, bởi nếu không giữ được bản sắc, không tạo được sự khác biệt thì không thể tồn tại. Nói cách khác, chất Hànộimới đã và sẽ đưa độc giả đến với Hànộimới.

Và nữa, Hànộimới với tôi là mới. Cái mới (yếu tố mới) vừa là đối tượng, vừa là mục đích phản ánh và điều này làm nên sự khác biệt giữa báo chí với các loại hình truyền thông khác. Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt hiện nay, yếu tố mới là vấn đề sống còn không chỉ với Hànộimới. Tìm kiếm, phát hiện vấn đề mới, chuyển động mới trong mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội đòi hỏi nhiều kỹ năng và đôi khi cả những mối quan hệ. Đây là một thách thức với người làm báo, nhất là người trẻ. Thế nhưng, với Hànộimới - báo Đảng của Thủ đô, vấn đề không chỉ dừng ở việc phát hiện, chuyển tải thông tin đến độc giả mà quan trọng hơn là luận giải, phân tích, đánh giá... để cùng hiểu đúng bản chất của yếu tố mới đó. Việc này, tôi nghĩ thật sự khó cả với những người nhiều năm cầm bút.

Tôi luôn nghĩ Hànộimới tiềm ẩn một năng lực tự đổi mới vô cùng mạnh mẽ. Có lẽ vì chữ “mới” của Hànộimới và cũng vì những thôi thúc tự thân của tờ báo. Những năm chín mươi của thế kỷ trước, Hànộimới là một trong số rất ít tờ báo đi đầu đổi mới và đã thành công trong cuộc “vượt thoát” cơ chế cũ, tư duy cũ. Nhiều ấn phẩm mới lần lượt “trình làng”. Hànộimới Chủ nhật (sau này là Hànộimới Cuối tuần) với phong cách làm báo “rất mới” lúc đó lập tức có chỗ đứng trong lòng độc giả Hà Nội giàu tri thức và kén đọc. Nguyệt san Hà Nội Ngày nay “sống khỏe” với 10.000 bản/kỳ và là ấn phẩm hiếm hoi của báo chí phía Bắc thành công ở phương Nam. Rồi năm 2004, tờ báo phát hành vào buổi chiều đầu tiên của làng báo Thủ đô mang tên Hànộimới Tin chiều ra mắt bạn đọc… Phía sau mỗi cuộc đổi mới, mỗi ấn phẩm mới là sự trăn trở, vật vã. Quãng mươi năm trở lại đây, liên tiếp những cuộc “cách mạng” với mức độ khác nhau, từ đổi mới nội dung, hình thức các ấn phẩm, tư duy kinh tế báo chí đến việc thay đổi công nghệ làm báo. Ở thời điểm này, một cơ quan truyền thông đa phương tiện cùng tòa soạn hội tụ với những công nghệ làm báo mới (thông tin bằng hình ảnh, bằng biểu đồ…) đang hình thành trong xu thế phát triển tất yếu của báo chí, truyền thông. Công cuộc đổi mới lại mở ra, Hànộimới luôn mới và “rất” mới trong tôi là như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản sắc làm nên thương hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.