Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quân, dân Hà Đông vừa sản xuất, vừa chiến đấu giỏi

Hà Tuyên| 26/12/2017 07:05

(HNM) - Thực hiện Chỉ thị ngày 27-11-1972 của Quân ủy Trung ương về sẵn sàng chiến đấu, quân và dân thị xã (nay là quận) Hà Đông được lệnh huy động ở mức cao nhất với tinh thần “quyết tâm đánh trả quân thù”.

Chiến sĩ Trung đoàn 224 trận địa Hà Trì, thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông) đánh trả máy bay Mỹ. Ảnh: Thái Ngọc Linh


Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng

Những ngày đầu tháng 12-1972, trên địa bàn Hà Đông về cơ bản đã điều chỉnh, bố trí xong các trận địa của bộ đội tên lửa, pháo cao xạ, trận địa chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương, tự vệ các cơ quan, xí nghiệp. Cấp trên còn tăng cường cho quân, dân Hà Đông 6 khẩu pháo cao xạ 100 ly. Dân quân các địa phương: Quang Trung, Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Hà Cầu, Vạn Phúc, Kiến Hưng... đã huy động hàng nghìn ngày công giúp Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng củng cố trận địa.

Trên địa bàn Hà Đông luôn có 5 cụm chiến đấu bắn máy bay Mỹ ở các hướng thuộc vùng trời phía Tây - Tây Nam Thủ đô Hà Nội. 5 cụm chiến đấu này không chỉ bảo vệ vùng trời Hà Đông mà còn đón lõng, đánh chặn và đánh trực tiếp khi máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Thủ đô Hà Nội. Trong số các cụm chiến đấu đó, có 2 trận địa tên lửa của Trung đoàn 236, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân: Một ở vùng bãi Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa), một ở khu đồng Mậu Lương (phường Kiến Hưng). Phối hợp với 2 trận địa tên lửa trên là các đơn vị pháo cao xạ của bộ đội, các trận địa bắn máy bay tầm thấp của dân quân, tự vệ các địa phương, cơ quan, xí nghiệp… Tất cả tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng săn máy bay Mỹ.

Thời điểm năm 1972, lực lượng dân quân du kích Hà Đông chiếm 9,1% dân số, được biên chế thành các tiểu đội, trung đội, đại đội, trong đó có các trung đội trực chiến tại chỗ, các trung đội làm nhiệm vụ cơ động. Vũ khí trang bị của lực lượng trực chiến bắn máy bay của Hà Đông gồm các loại: Từ cao xạ 37 ly, súng máy 14 ly 5, 12 ly 7, đại liên, trung liên, súng trường. Đại đội du kích tập trung làm nhiệm vụ cơ động của Hà Đông có khả năng chiến đấu trong mọi tình huống. Lực lượng này được tổ chức chặt chẽ, không những làm tốt nhiệm vụ chiến đấu trên địa bàn khi cần thiết mà còn có thể bổ sung cho các đơn vị của tỉnh Hà Tây và bộ đội chủ lực.

Vừa sản xuất, vừa chiến đấu

Đúng như dự đoán của Trung ương, đêm 18-12-1972, Chiến dịch Linebacker II của không quân Mỹ bắt đầu. Thấm nhuần lời kêu gọi của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân Hà Đông đã sát cánh cùng Quân chủng Phòng không - Không quân, bộ đội tỉnh Hà Tây và quân dân Thủ đô Hà Nội kiên cường bám chắc trận địa đánh máy bay Mỹ cả ban đêm và ban ngày.

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ trực chiến mà cán bộ và quân dân Hà Đông cùng các cơ quan, đơn vị còn luôn có mặt kịp thời, ổn định tư tưởng nhân dân để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”. Lực lượng dân công Đồng Mai, Kiến Hưng, Phú Lãm, Phú Lương được huy động trong nhiều ngày đêm tiến hành hàn khẩn đoạn đê sông Đáy bị bom Mỹ phá hoại. Một số địa phương như: Hà Cầu, Vạn Phúc… khi thấy địch ngừng ném bom đã huy động lực lượng đến chi viện trước khi nhận được lệnh. Để tránh tổn thất, cấp ủy, chính quyền Hà Đông chỉ đạo các địa phương tổ chức sơ tán người già, trẻ em ra khỏi địa bàn, giải quyết nơi ăn ở, củng cố hầm hào phòng tránh, tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ trật tự trị an, bảo vệ tài sản chung và tài sản của các gia đình bị nạn.

Ban Tuyên huấn Hà Đông và cấp ủy cơ sở tích cực động viên, vận động nhân dân ổn định đời sống, phục hồi sản xuất. Ngành Thương nghiệp Hà Đông đưa hàng hóa gồm chăn, chiếu, quần áo cho người lớn, trẻ em; xoong nồi, bát đĩa, giấy dầu lợp nhà cùng những nhu yếu phẩm để hỗ trợ nhân dân.

Mặt khác, Đảng bộ, chính quyền Hà Đông lãnh đạo lực lượng vũ trang, nhất là các trận địa trực chiến phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Phòng không - Không quân sẵn sàng đánh trả máy bay địch đến ném bom, bắn phá. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972, các cụm chiến đấu trên địa bàn Hà Đông, lực lượng dân quân tự vệ các địa phương, cơ quan, đơn vị đã tích cực chiến đấu và phục vụ chiến đấu, phát huy sức mạnh của lưới lửa tầm thấp để bộ đội tên lửa tiêu diệt B.52. Trong đợt oanh kích đầu tiên của không quân Mỹ, bộ đội tên lửa đánh giỏi, bắn trúng, hạ một máy bay B.52 rơi xuống cánh đồng xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Đêm 29-12-1972, Tiểu đoàn 79, bộ đội tên lửa ở bãi Yên Nghĩa phóng đạn bắn rơi một máy bay B.52.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, với truyền thống “lá lành đùm lá rách”, sau cuộc chiến đấu 12 ngày đêm, người dân Hà Đông đã tự nguyện giúp nhau hàng vạn ngày công để san lấp hố bom, làm lại nhà cửa cho các gia đình bị bom Mỹ tàn phá. Nhờ đó, nhân dân sớm ổn định nơi ăn ở để bước vào sản xuất, đón xuân. Ngày mùng 2 Tết năm 1973, Đảng bộ Kiến Hưng tổ chức mừng thọ cho 20 cụ ở độ tuổi từ 70 đến 90 để các cụ động viên con cháu tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Các hoạt động giáo dục, y tế, bưu điện tiếp tục được duy trì.

Đảng bộ, chính quyền Hà Đông tiếp tục chỉ đạo san lấp các hố bom, xây dựng một số phòng học cho trường cấp I và cấp II. Cuối năm 1973, ngôi trường hoàn thành và đưa vào sử dụng với 12 phòng học được xây dựng ở nơi “túi bom” của địa phương. Cũng từ sau Tết Quý Sửu 1973, sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp trên địa bàn Hà Đông ổn định trở lại. Ngay từ đầu năm 1973, Đảng bộ Hà Đông hoàn thành xuất sắc công tác tuyển quân đợt I. Bên cạnh hàn gắn vết thương chiến tranh ở quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Đông còn tích cực đưa lực lượng ra san lấp hố bom giúp đỡ nhân dân Khâm Thiên (Hà Nội).

45 năm trôi qua, công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa do Đảng ta lãnh đạo đã đưa Hà Đông thành một quận có nhiều thay đổi. Những dấu tích của B.52 năm xưa nay đã thay bằng những công trình điện, đường, trường, trạm, nhà cao tầng, nhà văn hóa, khu thể thao, khu vui chơi giải trí của nhân dân ở các tổ dân phố. Kết quả đó là cả một quá trình phấn đấu bền bỉ thực hiện ước mong của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quân, dân Hà Đông vừa sản xuất, vừa chiến đấu giỏi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.