Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đắng” - “ngọt” cà phê Việt

Đỗ Minh| 08/01/2018 06:22

(HNM) - Dọc con đường từ TP Đà Lạt dẫn xuống thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, là những vườn cà phê trĩu quả đang vào mùa thu hoạch.

Trái “ngọt”...

Rời miền Bắc từ những năm 1987, ông Trần Văn Xuất đến với vùng đất đỏ thị trấn Nam Ban, tỉnh Lâm Đồng khai hoang và khởi nghiệp với cây cà phê. Trên 30 năm gắn bó với nơi này, hơn ai hết ông Xuất hiểu được giá trị những hạt cà phê mang lại cho vùng đất hoang hóa cũng như những người dân nghèo khắp nơi tụ họp về đây.

“Khi Chính phủ hỗ trợ và kêu gọi người dân đi khai hoang làm kinh tế tại khu vực Tây Nguyên tôi đã mạnh dạn rời bỏ quê hương với mong muốn thoát nghèo. Và rồi, với sự giúp đỡ của Nhà nước, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, cây cà phê đã không phụ lòng người. Với gần 3.000 gốc cà phê, hằng năm gia đình thu về vài trăm triệu đồng” - ông Xuất chia sẻ.

Tham quan mô hình cà phê tại thị trấn Nam Ban, tỉnh Lâm Đồng.


Không chỉ riêng gia đình ông Xuất, mà rất nhiều gia đình từ khắp mọi miền đất nước về Tây Nguyên khai hoang và trồng cà phê đã thoát đói nghèo và vươn lên làm giàu. Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến khẳng định: Lâm Đồng có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển cây cà phê. Cà phê với Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung có vai trò rất đặc biệt. Hiện toàn tỉnh có khoảng 155.239ha cà phê, sản lượng đạt khoảng 430 ngàn tấn/niên vụ. Mặc dù chỉ đứng thứ 2 cả nước về diện tích nhưng Lâm Đồng lại dẫn đầu cả nước về năng suất và sản lượng cà phê...

Theo một số tài liệu, cà phê được người Pháp đem hạt giống đến Việt Nam trồng từ năm 1857. Thời điểm đó, diện tích cà phê mới đạt khoảng 10.000ha. Sau khi đất nước thống nhất, với chính sách phát triển mạnh cây cà phê, nước ta đã tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ người dân đến Tây Nguyên khai hoang và canh tác cây cà phê.

Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam Lương Văn Tự chia sẻ: Hiện diện tích cà phê cả nước đã tăng gần 29 lần từ 21,2 nghìn héc ta năm 1961 lên hơn 604,6 nghìn héc ta năm 2017. Năm 2017, xuất khẩu cà phê đạt 1,42 triệu tấn, mang về 3,21 tỷ USD. Ngành Cà phê đã hình thành được vùng chuyên canh sản xuất cà phê hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập chính cho hơn 560 nghìn hộ nông dân, khẳng định vị trí là một trong những cây trồng chủ lực của ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Trong những ngày diễn ra Ngày hội cà phê Việt Nam lần thứ nhất vừa qua tại Lâm Đồng, cầm trên tay những cành cà phê trĩu quả, Tổng Giám đốc Tổ chức Cà phê thế giới Silavia vô cùng ngạc nhiên và thán phục nông dân trồng cà phê của Việt Nam. Ông Silavia đánh giá cao sự tăng trưởng kỳ diệu của ngành Cà phê Việt Nam: Từ những hạt cà phê giống đầu tiên được mang về, sau 160 năm, Việt Nam đã hoàn thành thời kỳ đầu - trở thành nước sản xuất và chế biến cà phê nhân đứng thứ 2 thế giới. Năm 1991, sản lượng cà phê Việt Nam mới đạt 1% thị phần thế giới nhưng đến niên vụ 2016-2017, Việt Nam đã chiếm hơn 19%.

...và vị ”đắng”

Cùng với niềm vui, những “trái ngọt”, vẫn còn đó những vị "đắng” mà ngành Cà phê đang phải nếm trải. Theo các chuyên gia thế giới, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu. Điều này cũng thể hiện rõ qua thực tế những năm qua: Năm 2016, Tây Nguyên chịu cảnh hạn hán gay gắt nhất trong vòng 30 năm qua, hàng vạn héc ta cà phê bị khô héo. Hàng nghìn héc ta hồ chứa bị khô cạn.

Ngược lại, tuyết rơi kéo dài đến tận Nghệ An lại làm nhiều vườn cà phê chè Sơn La và Điện Biên bị chết. Đến mùa bão, bão đổ bộ vào khu vực Tây Nguyên đúng vụ thu hoạch khiến người trồng cà phê lao đao. Anh Nguyễn Văn Tưởng (thôn Tiền Lâm, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: "Gia đình có hơn 2.000 gốc cà phê. Hơn 15 năm nay trồng cà phê nhưng chưa khi nào tôi thấy cây cà phê gặp khó khăn như những năm gần đây. Dù đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cải tạo, đưa giống mới vào gieo trồng và việc thu hái cũng được cải tiến song chi phí cho cây cà phê vẫn rất lớn, chiếm hơn 50% giá trị hạt cà phê"...

Chung nỗi niềm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) Trần Văn Thọ hướng ánh mắt ưu tư sang vườn bơ và dâu tằm xen lẫn những vườn cà phê, trầm giọng: "Từ năm 2014, có nhiều hộ đã chặt bỏ cà phê để trồng các loại cây khác có giá trị. Cực chẳng đã, chứ họ cũng xót xa lắm, bởi cà phê với người dân nơi đây đã thành “tri kỷ”, cùng trải qua bao thăng trầm... Đơn cử thời điểm này, đang mùa thu hoạch cà phê nhưng do khí hậu biến đổi, nhiều vườn cà phê hoa bung trắng một vùng, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng hạt của niên vụ sau...".

Diện tích cà phê già cỗi cũng là một thách thức của ngành Cà phê Việt Nam. Theo Bộ NN&PTNT, trong 5 năm tới, cà phê cần phải tái canh khoảng 140.000ha, trong khi đó, tiến độ tái canh, trừ Lâm Đồng, còn ở các tỉnh khác diễn ra chậm chạp. Cùng với đó là những tồn tại về điều kiện sơ chế, bảo quản, tạm trữ hay giải bài toán chế biến để thay đổi con số gần 90% cà phê Việt xuất khẩu ở dạng thô. Kế đó là câu chuyện xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến tìm kiếm thị trường và sự cạnh tranh với các doanh nghiệp cà phê thế giới đang tiến vào thị trường Việt Nam...

Để giải những bất cập này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trước hết, các tỉnh cần đẩy mạnh chương trình tái canh, coi tái canh là công việc thường niên phải làm. Cần nhìn nhận bài học từ Indonesia và Colombia, khi diện tích cà phê già quá nhiều, tái canh không kịp đáp ứng sản lượng nên mất vị trí. Song hành tái canh, cần ưu tiên những giống cà phê năng suất, chất lượng cao.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh đầu tư cho khâu rang xay nhỏ và vừa; chú trọng chế biến cà phê hòa tan có giá trị cao để xuất khẩu. Bên cạnh đó là tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu, hình ảnh kết hợp công tác tuyên truyền để người trồng cà phê yên tâm giữ vườn cà phê phục vụ lợi ích lâu dài...

Lợi thế của cà phê Việt là đã rõ. Mục tiêu giữ vững vị trí nước sản xuất, xuất khẩu cà phê nhân thứ 2 trên thế giới và đưa kim ngạch xuất khẩu cà phê lên 6 tỷ USD vào năm 2030 cũng rất rõ. Nhưng những việc cần làm để chắt lọc thêm vị “ngọt” từ những giọt “đắng” của loại cây trồng này vẫn đang là công việc không nhỏ và không hề dễ dàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đắng” - “ngọt” cà phê Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.