Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hối hả làng bánh chưng Tết

Ngọc Quỳnh| 09/02/2018 06:59

(HNM) - Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhiều làng nghề bánh chưng lại rộn ràng chuẩn bị nguyên liệu, chốt đơn đặt hàng, thuê người gói cho kịp số lượng bánh phục vụ Tết...

Gói bánh chưng ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh.


Đậm đà hương vị Tết

Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt. Thời điểm này, ở làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì), không khí Tết đã tràn ngập khi những xe chở lá dong xanh mướt, những bao đậu xanh bóc vỏ vàng ruộm, rồi gạo nếp, hạt tiêu... được “tập kết” rộn ràng... Dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình sản xuất bánh chưng “có tiếng”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Duyên Hà Nguyễn Xuân Quân phấn khởi cho biết: Hiện làng nghề có 116 hộ làm bánh thường xuyên và 215 hộ làm thời vụ. Mỗi năm, bà con cung cấp cho thị trường hơn 300.000 chiếc bánh với giá từ 50.000 đến 60.000 đồng/chiếc. Năm nào tháng Chạp cũng là dịp bận rộn nhất, người làng nghề phải thức trắng đêm, đến khi những mẻ bánh cuối cùng được vớt ra và chuyển cho khách hàng thì công việc mới kết thúc...

Cụ Nguyễn Văn Kiên - dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng vẫn miệt mài hướng dẫn con cháu cách gói bánh chưng sao cho ngon từ khâu chọn nguyên liệu. Cụ kể: Nghề làm bánh chưng ở Tranh Khúc có từ bao giờ không ai nhớ rõ, nhưng trong gia đình thì đã 4 đời làm nghề này. Để làm ra một chiếc bánh chưng ngon, phải chọn loại lá dong nếp thì bánh mới có vị thơm riêng; nguyên liệu là gạo nếp cái hoa vàng, đậu vàng và thịt vai hoặc ba chỉ. Người dân cũng phải thực hiện rất nhiều công đoạn: Từ rửa lá dong, lau khô trước khi gói, ngâm gạo nếp qua đêm, đồ đậu xanh, giã nhuyễn, ướp thịt lợn... rồi mới gói bánh. Tùy vào loại bánh to hay nhỏ, người làm bánh phải tính toán kỹ lượng gạo, đậu, thịt cho phù hợp để khách hàng cảm thấy ngon miệng, không ngấy...

Rời làng Tranh Khúc chúng tôi tới thăm làng nghề bánh chưng ở thôn Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh). Dù nơi đây nức tiếng với nghề sản xuất đồ gỗ, nhưng để giữ gìn hương vị của quê hương, nhiều hộ dân vẫn gói bánh chưng phục vụ khách hàng. Bà Phạm Thị Lành, một trong những “đại gia” làm bánh chưng xởi lởi khi có người hỏi thăm về làng nghề. Bà Lành cho biết, gia đình có kinh nghiệm 27 năm làm nghề, đã chứng kiến bao nhiêu sóng gió, đổi thay của làng. Hiện nay, quanh vùng rầm rộ phát triển nghề mộc, chỉ duy nhất thôn Lỗ Khê vẫn còn 25 - 30 hộ chuyên làm bánh chưng.

Nếu như ngày thường, mỗi gia đình chỉ gói vài trăm chiếc, thì từ 20 đến 30 tháng Chạp hằng năm, mỗi gia đình phải gói 20.000 - 22.000 chiếc phục vụ khách hàng. Cách làm bánh chưng của Lỗ Khê từ xưa khác nhiều nơi nên khách hàng thấy “lạ miệng” hơn: Phải là nếp cái hoa vàng được trồng tại địa phương, lá dong phải chọn loại xanh "bánh tẻ", không quá già, gạo được ngâm từ 30 phút đến 1 tiếng... “Được thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngọt lành, nên bánh chưng Lỗ Khê, ngoài vị thơm của gạo nếp cái hoa vàng, thì dường như còn có vị đậm đà riêng. Đặc biệt, chiếc bánh chưng Lỗ Khê cũng chủ yếu là loại bánh dài, ít khi là bánh vuông...” - bà Phạm Thị Lành cho hay.

Gìn giữ nghề truyền thống

Trước đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, bánh chưng không chỉ thơm ngon mà còn phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, ngoài giữ gìn chất lượng bánh vốn đã có “tiếng thơm”, các làng nghề bánh chưng đang ngày càng chú trọng hơn tới việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tranh Khúc Nguyễn Đăng Ngữ cho hay: Trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động, để giữ gìn “thương hiệu” làng nghề, bánh chưng của làng Tranh Khúc đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, được cấp lô gô và mã vạch riêng cho từng hộ sản xuất. Do vậy, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, hằng năm, xã thành lập tổ kiểm tra xuống từng hộ sản xuất để kiểm tra cơ sở vật chất, nguồn nước, sức khỏe của thợ làm bánh... Nếu nơi nào chưa đáp ứng yêu cầu, xã sẽ nhắc nhở, hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục...

Xác định nghề làm bánh chưng là một trong những nghề cho thu nhập khá, nên các hộ gia đình luôn ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm. Bà Lý Thị Thiệp - Trưởng thôn Tranh Khúc cho biết: Người dân đã cải tiến một số công đoạn làm bánh, chuyển từ luộc bằng củi sang nồi hơi, nồi điện nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Để phục vụ cho những đơn hàng xuất vào siêu thị hoặc xuất đi nước ngoài, người dân đã sử dụng công nghệ hút chân không nhằm kéo dài thời gian bảo quản từ 10 đến 15 ngày... Ngoài ra, xã còn xây dựng đề án phát triển làng nghề gắn với du lịch, hướng tới quảng bá thương hiệu sản phẩm; đồng thời, xã liên kết với các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố... tổ chức cho học sinh tham quan làng nghề, trải nghiệm gói bánh chưng tại đây. Qua đó, giúp các em hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn, ý nghĩa văn hóa của chiếc bánh chưng thờ cúng tổ tiên, món ăn đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam trong dịp Tết cổ truyền...

Có thể nói, đến nay mỗi làng nghề bánh chưng đều có bí quyết riêng trong giữ gìn hương vị quê hương, nhưng người làng nghề hiện vẫn còn nhiều trăn trở... Chia sẻ của chị Nguyễn Thị Anh ở thôn Lỗ Khê (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) đã thể hiện tâm tư chung của người làng nghề: Đó là, thương hiệu làng nghề chưa được xây dựng; sản phẩm mới chỉ bán cho khách quen mà chưa “tiến sâu” vào hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn... Để bánh chưng Lỗ Khê không chỉ dừng lại ở “sân làng” mà có thể vươn ra nước ngoài, phục vụ đồng bào xa xứ thì rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng; đồng thời phải xây dựng được khu sản xuất tập trung... nhằm kiểm soát tốt sản phẩm từ “đầu vào” đến “đầu ra”... Bên cạnh đó là sự ổn định, đồng bộ của nguồn điện phục vụ sản xuất...

Vì nhiều lý do, phải thẳng thắn nhìn nhận, nghề gói bánh chưng truyền thống ở làng Lỗ Khê, Tranh Khúc… hiện cũng chưa thu hút được nhiều hộ sản xuất. Song, hy vọng, với ý nghĩa là một sản phẩm truyền thống gắn liền với nền văn minh lúa nước từ bao đời nay của dân tộc, bánh chưng Tết sẽ không ngừng được lưu truyền, gìn giữ, để truyền tải thông điệp tri ân tổ tiên; gói trọn ước vọng về một năm mới mưa thuận, gió hòa, đồng điền tươi tốt, cuộc sống no đủ... của dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hối hả làng bánh chưng Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.