Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự hào gốm cổ Kim Lan

Ánh Dương| 11/02/2018 07:33

(HNM) - Khôi phục, giữ gìn, phát huy nghề gốm đã thất truyền từ nhiều thế kỷ, người làng nghề gốm Kim Lan (huyện Gia Lâm) rất tự hào, bởi ngoài lưu giữ những nét tinh hoa độc đáo, nghề gốm còn cho thu nhập cao, ổn định. Những ngày gần Tết, cả làng càng rộn ràng, nhộn nhịp hơn với các đơn hàng chuyển đi khắp nơi...

Sản xuất gốm Kim Lan bằng phương pháp thủ công.


Gìn giữ nghề tổ

Đến Kim Lan dịp cuối năm mới thấy sức sống của làng nghề âm thầm mà mãnh liệt. Cả làng gốm tất bật đóng gói, chất ăm ắp hàng lên những xe tải tỏa đi khắp ngả... Gốm Kim Lan rất “được lòng” nhiều người khi họ đến chọn mua cả đồ thờ và đồ gia dụng.

Người làng nghề vẫn truyền nhau rằng: Nghề gốm Kim Lan có từ lâu đời và mang lại sự giàu có cho dân làng nghề. Minh chứng là năm 1996, nước sông Hồng dâng lên ngập làng, đất bãi lở, một số trẻ em và người dân Kim Lan phát hiện được chum đựng tiền cổ chôn ở bờ sông. Đến năm 1999, bờ sông tiếp tục lở, người Kim Lan lại phát hiện thêm những vò, chum, hũ đựng tiền cổ và cả những mảnh bát vỡ, bát nung quá lửa, đĩa, lọ… Hũ gốm đựng tiền cổ được xác định sản xuất từ thế kỷ thứ X, chứa tới 18kg tiền. Hiện hũ và tiền được trưng bày tại Bảo tàng cộng đồng xã Kim Lan. “Rất tình cờ, năm đó địa phương tìm tư liệu để làm cuốn Lịch sử Đảng bộ xã, chúng tôi thống nhất việc trước tiên là cùng nhau đi các nơi để thu thập tư liệu, tìm hiểu lịch sử làng gốm. Khi phát hiện những cổ vật ở bờ sông, tháng 1-2000, chúng tôi đã gửi văn bản và mẫu vật tới Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, Viện Khảo cổ học để nhờ tra cứu lịch sử nghề gốm của Kim Lan…” - ông Nguyễn Văn Nhung ở thôn 2 (xã Kim Lan) nhớ lại.

Tháng 4-2000, Viện Khảo cổ học đã về Kim Lan để tìm hiểu, khảo sát. Sau khi tiến hành khai quật khu bờ sông (thuộc xóm Đình, thôn 2), tiếp cận những cổ vật tìm được, Viện Khảo cổ học đã xác định gốm Kim Lan xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ IX đến hết thế kỷ thứ XVII và hưng thịnh nhất là từ thế kỷ thứ XIII đến XIV. Đến thế kỷ thứ XVIII, nghề gốm Kim Lan bị mai một do khó tiêu thụ, nên người dân đành chuyển sang trồng dâu nuôi tằm để mưu sinh...

Kể cho chúng tôi về quá trình khơi dậy, gìn giữ và phát triển nghề gốm cổ ở Kim Lan, cụ Nguyễn Việt Hồng (sinh năm 1936 - người am hiểu lịch sử nghề gốm sứ Kim Lan) cho biết: Người Kim Lan luôn đau đáu với nghề gốm cổ. Bởi vậy, từ khoảng năm 1977, một số hộ ở Kim Lan bắt đầu “đỏ lò” sản xuất bát, đĩa... Dần dần, Kim Lan có thêm nhiều hộ làm gốm. Cứ thế, làng gốm được hồi sinh. Đến năm 1990, ở Kim Lan, nhà nào cũng có từ 1 đến 2 lò nung gốm, tạo việc làm và thu nhập cao cho người dân. Có giai đoạn, gốm Kim Lan không đủ “cung” cho thị trường...

Theo cụ Hồng, đồ gốm Kim Lan xưa giá trị là bởi được làm thủ công, có lớp men bóng, men rạn với “công thức” được chế từ thảo mộc tự nhiên, gồm: Tro trấu, vôi bột, bột đá nghiền; hoặc tro trấu, vôi bột, đất trắng, trộn rồi lọc lấy nước hỗn hợp. Bình hoa, bát, đĩa, ấm chén… sau khi nặn xong, nhúng vào nước hỗn hợp này rồi đem nung, sẽ cho ra sản phẩm có nước men trắng bóng, độ bền cao; nếu muốn có men rạn, thì giảm lượng tro trấu. Giờ đây, có công nghệ hiện đại và các loại hóa chất hỗ trợ, người làm gốm Kim Lan không phải vất vả làm men thủ công nữa, nhưng về cơ bản vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất để bảo đảm chất lượng và thẩm mỹ của sản phẩm gốm...

Vẫn còn trăn trở


Sau hơn 40 năm nỗ lực gìn giữ, phát triển nghề, Kim Lan nay đã có thêm nhiều thế hệ nghệ nhân làm gốm. Do quy mô ngày càng lớn, tháng 7-2014, Hội Gốm sứ Kim Lan được thành lập với hơn 50 hội viên, nay đã phát triển lên hơn 170 hội viên. Anh Đào Việt Bình, Chủ tịch Hội Gốm sứ Kim Lan hồ hởi khoe: “Hiện Kim Lan có gần 300 hộ đầu tư lò sản xuất gốm. Sản phẩm gốm ở Kim Lan chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhưng hiện cung không đủ cầu. Khách muốn đặt mua dù chỉ 1 container hàng, cũng phải báo trước ít nhất 10 ngày…”.

Cũng theo anh Bình, gốm Kim Lan chủ yếu là những mặt hàng dân dụng, như: Gạch, ngói (lợp mái đình, chùa, trang trí nhà theo kiểu cổ), đồ thờ cúng (bát hương, lọ hoa, mâm bồng, kỷ chén…), chum, vại, bình hoa… Gốm Kim Lan gần gũi với mọi gia đình, phục vụ được nhu cầu của nhiều đối tượng tiêu dùng.

Hiện, ở Kim Lan còn có một số hộ làm hàng thủ công, cho thu nhập rất cao. Đưa chúng tôi tới xưởng sản xuất gốm của gia đình anh Phạm Văn Nguyên ở thôn 3 - một trong số những thợ gốm trẻ tuổi, anh Bình hào hứng: Ở Kim Lan, số hộ sản xuất gốm vuốt tay thủ công rất ít, bởi đó là hàng cao cấp, đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian; sản phẩm không đại trà, không năng suất. Dù vậy, vẫn luôn có những người thợ “đắm đuối” với nghề gốm thủ công. Chỉ từ cục đất thô kệch, qua bàn tay thợ tài hoa, sẽ trở thành những sản phẩm đẹp, độc, lạ... “Người thợ phải rất yêu nghề, đam mê sáng tạo cùng sự kiên trì, nhẫn nại mới làm ra được những sản phẩm gốm vuốt tay ưng ý mình, ưa mắt người.

Bởi để có một sản phẩm gốm “ra lò”, người thợ phải trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhất là khi sản phẩm không đạt ý muốn: Chỉ cần nguyên liệu đất không tốt thì sản phẩm có thể nứt, vỡ, méo mó... hoặc nếu người thợ không có sự tính toán kỹ về chiều cao, chiều ngang, độ uốn, thì khi nung lửa, độ co ngót sẽ làm cho sản phẩm bị biến dạng... Vậy nên, sản phẩm gốm vuốt tay với hoa văn do thợ vẽ trực tiếp có giá trị cao gấp từ 4 lần đến 8 lần so với sản phẩm làm bằng máy” - anh Nguyên tâm sự. Hiện, xưởng gốm của gia đình anh thu hút 15-20 lao động với thu nhập từ 7 đến 15 triệu đồng/người/tháng; riêng thợ kỹ thuật tay nghề cao có thu nhập tới 25-30 triệu đồng/người/tháng.

Quan tâm đến các hộ làm nghề, chính quyền xã Kim Lan luôn tạo điều kiện thuận lợi để họ được tiếp cận những nguồn vốn như của Liên minh Hợp tác xã, Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố, các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Nhờ đó, nhiều hộ có điều kiện bổ sung vốn đầu tư máy móc, thiết bị làm nghề… Theo Chủ tịch UBND xã Kim Lan Nguyễn Thị Huệ, gốm Kim Lan đã có thương hiệu tập thể, nhưng để các hộ làm nghề hiểu ý nghĩa, giá trị khi sản phẩm được gắn thương hiệu thì vẫn cần sự nỗ lực tuyên truyền của cả hệ thống chính trị và Hội Gốm sứ. Có như vậy, sản phẩm gốm Kim Lan sẽ nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường gốm sứ trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào gốm cổ Kim Lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.