Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Con người là yếu tố hàng đầu

Mai Hoa| 26/02/2018 06:51

(HNM) - Phát triển văn hóa đọc đòi hỏi nỗ lực của nhiều phía, trong đó, không thể không kể đến vai trò của các cán bộ thông tin thư viện trong việc giới thiệu, kết nối tri thức, đưa những cuốn sách hay, giá trị, khai thác nguồn tài liệu mở phong phú phục vụ từng đối tượng bạn đọc.

Thư viện - nơi học tập gần gũi đối với sinh viên.


Sức mạnh của sự ghi nhận

Chị Vũ Minh Huệ, sinh năm 1980, hiện là Trưởng phòng Công tác nghiệp vụ Trung tâm Học liệu Trường Đại học Thái Nguyên, từng là cử nhân Anh văn, Thạc sĩ khoa học Thông tin và Thư viện của một trường đại học uy tín tại Bang Massachusetts (Mỹ) năm 2008. Nhanh nhẹn, tự tin, Minh Huệ có nhiều cơ hội để lựa chọn một công việc ở các đô thị trung tâm, thay vì gắn bó 10 năm qua với công tác thư viện ở Thái Nguyên.

Nhưng chị có lý do riêng của mình: "Chế độ đãi ngộ, lương, thưởng, tôi được hưởng theo khung quy định chung của Nhà nước, sự khác biệt ở đây chính là ghi nhận của lãnh đạo cơ quan với đóng góp, nỗ lực cố gắng của cán bộ, nhân viên; môi trường làm việc mở, được phép bộc lộ quan điểm, được lắng nghe, công khai bàn bạc...".

Bốn năm về trước, một thầy hiệu phó của Đại học Khoa học thuộc Trường Đại học Thái Nguyên làm luận án tiến sĩ ngành Toán có đề nghị Trung tâm Học liệu Đại học Thái Nguyên tìm giúp danh sách tài liệu ngành Toán với chuyên ngành rất sâu, gồm 10 bài, bằng tiếng Anh. Chị Vũ Minh Huệ đã nỗ lực khai thác các nguồn tư liệu mở của các thư viện trên thế giới, tìm được cho thầy 5 bài toàn văn miễn phí, 5 bài còn lại có đường link kèm số tiền phí tương ứng phải trả.

Bên cạnh đó, chị còn cố gắng tìm thêm 5 bài miễn phí của các tác giả khác có nội dung gần với 5 bài phải trả phí. Chị Vũ Minh Huệ chia sẻ: "Sau đó, rất nhiều thầy cô các trường khác đã tìm đến chúng tôi, và Đại học Khoa học cũng thường xuyên đồng hành cùng Trung tâm Học liệu trong việc tổ chức các triển lãm sách, các sự kiện liên quan đến nghiệp vụ thư viện và lan tỏa văn hóa đọc...".

Rõ ràng sự nhìn nhận của lãnh đạo nhà trường, của sinh viên và giảng viên đối với cán bộ thư viện có ý nghĩa khích lệ rất lớn đối với người làm nghề. Đáp ứng nhu cầu của hơn 40 nghìn sinh viên Trường Đại học Thái Nguyên gồm 10 trường thành viên, các viện, trung tâm nghiên cứu không phải chuyện đơn giản, nhưng Trung tâm Học liệu Đại học Thái Nguyên đã chọn hướng đầu tư vốn tài liệu theo các chuyên ngành mũi nhọn... Trung tâm cũng tìm cách hỗ trợ một số sinh viên tìm sách trên kho tàng tư liệu thư viện mở của Việt Nam và thế giới, trong đó, vai trò của cán bộ thủ thư là rất lớn.

Đổi mới phương thức hoạt động

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng ngày tác động đến thói quen đọc, khả năng khai thác cơ sở dữ liệu, hoạt động thư viện chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tỷ lệ bạn đọc đến thư viện ngày càng giảm. Chính vì vậy, để tiếp tục phát huy vị trí, vai trò của thư viện đối với cộng đồng, xã hội, đòi hỏi phải có sự thay đổi về mô hình quản lý và phương thức hoạt động của hệ thống thư viện.

Giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga cho biết: Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là coi thư viện công cộng như không gian sáng tạo của cộng đồng, không gian kết nối, nơi tiên phong về xu hướng và trải nghiệm công nghệ mới, nơi ươm mầm các ý tưởng, học tập và đổi mới.

Ở một góc độ khác, các cán bộ thông tin thư viện cần hiểu rõ nhu cầu của bạn đọc. Độc giả đến với thư viện chính là đến với môi trường học tập giải trí, một trung tâm sinh hoạt cộng đồng, chứ không nhất thiết chỉ là đến để đọc sách. Với ý nghĩa ấy, cán bộ thông tin thư viện cần phải trở thành địa chỉ tin cậy đối với cộng đồng. Nói cách khác, để có thể toàn tâm, toàn ý theo nghề, bên cạnh sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, người làm công tác thư viện rất cần có một tâm thế mở trong làm việc, với niềm đam mê, ý chí, nỗ lực học hỏi cao.

Có thể thấy, dù áp lực của thời đại công nghệ số lớn đến đâu thì đọc vẫn là một phương thức giúp mọi người tiếp cận tri thức, mở ra các cơ hội cho việc học tập suốt đời và cho sự phát triển văn hóa của cá nhân, của cộng đồng. Chính vì lý do đó, phát triển văn hóa đọc đã được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Các mô hình thư viện thân thiện, thư viện xanh, tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh... cũng ngày càng được nhân rộng.

Ví như ở Nam Định, với sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh, mô hình tủ sách lớp học được đầu tư phát triển rất mạnh. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến, hiện đã có 4 huyện ở Nam Định gồm Nam Trực, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Ý Yên có tủ sách lớp học ở hầu hết các trường, từ mầm non đến THCS. Với sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, các doanh nhân quê Nam Định đã chung tay mua sách ủng hộ quê hương, danh mục sách được kiểm duyệt kỹ về nội dung và chất lượng với mục tiêu: "Cung cấp sách hay, tìm đọc những cuốn sách đổi đời".

Còn ở Hà Nội, bên cạnh các giải pháp về tủ sách lưu động, tăng cường luân chuyển sách, theo TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người sáng lập Dự án "Sách ơi mở ra", hiện nay những người tham gia dự án đang phối hợp cùng lãnh đạo và cán bộ thông tin thư viện của một số trường để từng bước áp dụng mô hình "Đọc có hướng dẫn", góp phần giải quyết bài toán phát triển văn hóa đọc trong nhà trường...

Ngày 15-3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 329/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" nhằm xây dựng và hình thành thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phát triển phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong con người Việt Nam.

Để làm được điều đó, đòi hỏi chúng ta phải đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thư viện, đẩy mạnh phát triển mô hình thư viện lưu động tại địa phương, thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng... Rất nhiều giải pháp cần được từng bước thực hiện. Trong đó, vai trò của những cán bộ thông tin thư viện - những người ngày ngày lặng lẽ ở phía sau, bền bỉ góp sức cùng công cuộc phát triển văn hóa đọc, là vô cùng quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Con người là yếu tố hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.