Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trọn đời gắn bó với kỷ vật của Bác Hồ

Dương Linh| 12/03/2018 07:03

(HNM) - Là cán bộ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, gần như trọn cuộc đời, bà Hoàng Thị Nữ gắn bó với những kỷ vật của Bác Hồ.


Bà Hoàng Thị Nữ là sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Công an (nay là Đại học An ninh nhân dân). Cuối năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để chuẩn bị cán bộ cho Bảo tàng về Bác, theo sự điều động của Bộ Công an, bà Nữ được chuyển về công tác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch. Năm 1984, sau khi làm xong luận án Phó Tiến sĩ Sử học Trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva (Liên Xô cũ), bà Nữ tiếp tục về công tác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, được giao quản lý kho - nơi sưu tầm, kiểm kê, bảo quản toàn bộ tài liệu gốc, có bút tích của Người. “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút và kiên nhẫn. Nói thật, còn lo hơn việc nhà, tôi luôn coi tài liệu như máu thịt” - bà Nữ chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Nữ (bên trái) giới thiệu cuốn sách về Bác Hồ mà bà tham gia biên soạn.


Chính bởi trân trọng những kỷ vật về Bác nên dù đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng khi nhắc lại những lần bàn giao tài liệu cho đơn vị khác quản lý bà Nữ vẫn không khỏi xúc động. “Năm 1987, được ủy quyền của cấp trên, tôi có nhiệm vụ bàn giao bản gốc di chúc của Bác cho Văn phòng Lưu trữ trung ương. Tôi ký bàn giao mà tay run bần bật bởi đây là kỷ vật gắn bó với tôi nhiều năm” - bà Nữ bộc bạch. Nhìn ánh mắt sáng lên trên khuôn mặt phúc hậu của bà Nữ, tôi nhận thấy rõ hơn sự toàn tâm, toàn ý với tài liệu, kỷ vật của Bác trong bà.

“Có một năm, Hà Nội mưa rất to, các tuyến phố đều ngập nước, không phương tiện giao thông nào di chuyển được. Buổi tối, tôi đã về nhà, nhưng vẫn rất lo nếu nước tràn vào kho bảo quản sẽ ngập hàng chục vạn tài liệu, hiện vật của Bác. Hơn 22h, tôi quyết định lội nước ngang lưng hơn 2km đến Bảo tàng để kiểm tra. Khi đến nơi, một số phòng làm việc đã mênh mông nước. Tôi cùng bộ phận trực cơ quan kịp thời xử lý, ngăn không cho nước vào kho hiện vật. Xong việc, tôi thở phào nhẹ nhõm vì kho được an toàn” - bà Nữ bồi hồi nhớ lại.

Không những sưu tầm, bảo quản tài liệu về Bác ở trong nước, bà Nữ còn trực tiếp tham gia sưu tầm, xác minh các tài liệu, di tích liên quan đến Bác Hồ ở nước ngoài. Mỗi chuyến đi là một câu chuyện đáng nhớ. Năm 1991, bà được cơ quan cử đi sưu tầm tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đang lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô. Một mình đi ra nước ngoài, khó khăn không kể xiết. Bà bình tĩnh xử lý, làm tốt công tác ngoại giao, tranh thủ mọi sự giúp đỡ, kịp thời thu thập khối tài liệu gần 1.000 trang để chuyển về Đại sứ quán Việt Nam.

Mang ra giới thiệu với tôi hàng chồng sách bà tham gia viết về Bác, như cuốn “Hồ Chí Minh - biên niên tiểu sử”, “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933”, “Những tên gọi, bút danh, bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Bác Hồ với Trung Quốc”…, bà Nữ rất tự hào, nói: “Để các thế hệ sau hiểu rõ hơn về cuộc đời của Bác, tôi nghĩ ngoài việc trưng bày hiện vật liên quan đến Người còn phải giới thiệu các hiện vật qua các cuốn sách. Đây là lý do tôi tham gia viết sách”. Ngoài ra, bà Nữ tham gia giảng dạy và nghiên cứu nhiều công trình khoa học lớn về Bác Hồ...

Trong 35 năm công tác, bà Hoàng Thị Nữ luôn tận tụy với công việc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hoàn cảnh gia đình neo đơn, chồng mất sớm để lại hai con, một mình bà phải lo toan mọi việc, vừa nuôi dạy con, chăm lo việc nhà, vừa tham gia công tác xã hội. “Những lúc gặp khó khăn tôi lại nghĩ đến Bác Hồ và vượt lên hoàn cảnh” - bà Nữ tâm sự.

Học Bác suốt đời

Bà Vũ Thị Nhị, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhận xét: “Bà Nữ là người vô cùng tâm huyết với công việc, đam mê sưu tầm, bảo quản các tài liệu liên quan đến Bác Hồ. Bằng sự tận tâm của mình, bà đã góp phần giữ gìn cho đời sau nhiều di sản quý giá”.

Những kỷ vật của Bác cùng công tác bảo quản tài liệu đã thấm vào máu thịt của mình nên bà Nữ khẳng định, chỉ cần ai đó đưa ra một kỷ vật liên quan đến Bác Hồ mà bà từng quản lý, bà sẽ đọc được cả thời gian, địa điểm và lịch sử kỷ vật đó. Là lớp cán bộ đầu tiên của Bảo tàng Hồ Chí Minh, hằng ngày được tiếp xúc với di sản của Người, bà Hoàng Thị Nữ hiểu rõ những giá trị to lớn của tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vì vậy, dù đã nghỉ hưu, bà Nữ cho biết vẫn tiếp tục học tập Bác Hồ đến suốt đời.

Hiện nay, bà Nữ đã 70 tuổi nhưng vẫn đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ 10, Đảng bộ phường Liễu Giai (quận Ba Đình). Trên cương vị này, bà luôn sâu sát quần chúng, vận động bà con trong tổ dân phố thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bản thân bà luôn gương mẫu, có lối sống giản dị, khiêm tốn, tận tụy với công việc. Từ nhiều năm nay, bà Nữ thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ bằng cách nuôi lợn nhựa và hũ gạo tiết kiệm, tham gia tổ tiết kiệm của phụ nữ, giúp đỡ người khó khăn.

Tự giác học tập và làm theo gương đạo đức, phong cách Bác Hồ, bà Hoàng Thị Nữ luôn tâm niệm: “Dù mới chỉ làm được một phần nhỏ bé so với xã hội, song tôi tự hào là đã sống và học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tôi sẽ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, tích cực tham gia công tác ở địa phương, để xứng đáng là người đảng viên của Đảng, là người cán bộ từng công tác ở cơ quan mang tên Bác”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trọn đời gắn bó với kỷ vật của Bác Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.