Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông thôn mới nhờ “ba sạch”

Nguyễn Mai| 29/04/2018 07:29

(HNM) -

Thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được đặt tại ruộng giúp bảo đảm vệ sinh môi trường.


Sạch từ đồng vào làng

Mùa này ở xã Thanh Đa, trên khắp cánh đồng, những giàn bầu, mướp trĩu quả; cà pháo, cải xanh, mùng tơi… mướt mát phủ kín chân ruộng. Chị Hoàng Thị Yến, cán bộ bảo vệ thực vật xã Thanh Đa cùng chúng tôi thăm đồng giới thiệu: “Cánh đồng rau này rộng 50ha, được sản xuất theo quy trình an toàn và một phần được sản xuất theo quy trình VietGAP. Thay vì dùng thuốc trừ sâu, người dân xã Thanh Đa sử dụng các loại bẫy bả sinh học và thiên địch để bắt, xua đuổi côn trùng hại rau…”.

Tại một ruộng cà pháo, chị Yến chỉ cho chúng tôi một miếng bẫy đen kịt ruồi đục quả, bọ phấn, bướm sâu tơ... và giải thích: “Vòng đời của bướm biến hóa từ những con sâu. Bắt bướm là có thể diệt được mầm mống của sâu hại. Một sào ruộng cà thế này, chúng tôi đặt 7 miếng bẫy, chi phí hết 70.000 đồng, sẽ có tác dụng trong khoảng 2 tuần. Nếu duy trì đều, rau phát triển tốt, không bị sâu hại, bà con nông dân giảm chi phí sản xuất và quan trọng nhất là tạo ra các loại nông sản sạch, an toàn".

Cùng với sản xuất an toàn, hình ảnh dễ bắt gặp ở bất cứ làng quê nào trên địa bàn huyện Phúc Thọ là đường làng, ngõ xóm khang trang; không có rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi. Trên con đường liên thôn sạch, đẹp, bà Dương Thị Soạn ở thôn Hương Vĩnh (xã Ngọc Tảo) khoe: “Sáng nào, chúng tôi cũng quét dọn để giữ đường sạch sẽ. Trước đây, các thôn có đội thu gom rác nhưng làm chưa bài bản, chưa đúng giờ, đúng ngày. Hơn một năm nay, rác thải sinh hoạt được công ty môi trường thu gom đều đặn 2 lần mỗi tuần. Hễ nghe kẻng là bà con mang rác ra xe, không để tập trung ở đầu ngõ như trước”.

Theo báo cáo của UBND huyện Phúc Thọ, hiện có 178/178 thôn, làng trên địa bàn huyện duy trì tổng vệ sinh vào các ngày cuối tuần; rác thải sinh hoạt được thu gom 2-3 lần/tuần. Các xã, thị trấn cũng trồng mới và cải tạo được 28 vườn hoa; nạo vét 86 ao, hồ tại các điểm công cộng.

Cùng với môi trường sạch, chất lượng cuộc sống người dân còn được nâng cao hơn nhờ tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch ngày càng tăng. So với bình quân chung khu vực ngoại thành là gần 40%, số hộ được sử dụng nước sạch ở Phúc Thọ đã đạt 62%. Trưởng phòng Kinh tế, UBND huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn cho biết, huyện Phúc Thọ có 4 trạm cấp nước sạch tập trung đang hoạt động và 2 trạm đang xây dựng. Ngoài ra, nhiều xã, thị trấn của huyện đã tiếp nhận nước sạch từ thị xã Sơn Tây.

Cụ thể hóa từng phần việc

Trò chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên cho biết, cuộc vận động “ba sạch”, gồm: Nước sạch, nông nghiệp sạch, môi trường sạch, được huyện phát động từ tháng 6-2017, với mục tiêu đến năm 2020, 100% hộ dân trên địa bàn huyện được dùng nước sạch; xây dựng môi trường sản xuất sạch, an toàn thực phẩm; mỗi năm, mỗi xã, thị trấn cải tạo, nạo vét ít nhất 1 ao, hồ; trồng 1 vườn hoa; duy trì tổng vệ sinh tại cơ quan, đơn vị vào chiều thứ sáu hằng tuần và tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào sáng thứ bảy hằng tuần.

Theo ông Nguyễn Việt Liên, phong trào “ba sạch” hiện đã ngấm sâu vào đời sống dân cư. Nhân dân phát huy tinh thần tự quản, tình yêu quê hương và chủ động tham gia cuộc vận động để được hưởng thụ các thành quả do chính bản thân, gia đình đóng góp. Chỉ trong gần một năm triển khai, đã có gần 93.000 người dân hưởng ứng, trực tiếp tham gia cuộc vận động. Các xã, thị trấn đã tổ chức 178 buổi sinh hoạt cộng đồng về "ba sạch" nhằm phổ biến sâu, rộng hơn nữa trong nhân dân.

“Chính người dân sẽ là nòng cốt trong việc tuyên truyền vận động. Khi đã nâng cao nhận thức, mỗi người sẽ thay đổi hành vi, từ những hành động nhỏ nhất như: Sử dụng nước đã qua xử lý, tiết kiệm nguồn nước sạch, đến gìn giữ vệ sinh, duy trì sạch, đẹp, khang trang đường làng ngõ xóm; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; phân loại rác thải tại nguồn, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định…” - ông Nguyễn Việt Liên chia sẻ.

Không dừng lại ở việc tuyên truyền, hô hào khẩu hiệu, cuộc vận động còn gắn trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong triển khai. Về điểm này, Phó Trưởng phòng Kinh tế, UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Thị Tuyết nêu thêm: “Nông dân Phúc Thọ không còn sử dụng thuốc diệt cỏ ngoài danh mục mà sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo chỉ dẫn của cán bộ chuyên môn xã. Cùng với đó, UBND huyện và các xã đã lắp đặt 1.960 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, bảo đảm hợp vệ sinh. Đặc biệt, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới... được đầu tư ngày một nhiều hơn”.

Kết quả của phong trào “ba sạch” đã góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ một huyện thuần nông nhiều khó khăn, Phúc Thọ trở thành một trong những huyện đứng đầu thành phố trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 20/22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã còn lại là Xuân Phú và Thượng Cốc đang phấn đấu hoàn thành trong năm nay.

Tuy nhiên, đây chỉ là những kết quả bước đầu. Để nước sạch, nông nghiệp sạch, môi trường sạch bảo đảm bền vững, còn rất nhiều việc phải làm. "Cuộc vận động “ba sạch” sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thường xuyên, bền bỉ với tinh thần trách nhiệm cao, để huyện Phúc Thọ không chỉ xây dựng cảnh quan đẹp, môi trường thân thiện, thực phẩm sạch phục vụ nhân dân, mà xa hơn sẽ thu hút du khách tìm đến trải nghiệm không gian thôn quê bình dị, thoáng đãng... Đây là nền tảng để huyện Phúc Thọ khai thác thế mạnh địa phương và tiềm năng du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân..." - Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú chia sẻ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông thôn mới nhờ “ba sạch”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.