Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa ong đi lấy mật

Nguyễn Mai| 13/05/2018 07:09

(HNM) - Cứ độ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, khi những vườn hoa vải, hoa nhãn, hoa bưởi... nở rộ, ấy cũng là lúc mùa ong sinh sôi, cho nhiều mật nhất và chất lượng mật thơm ngon nhất...



Kỳ công làm mật

Qua con dốc Sổ ngoằn ngoèo, chúng tôi đến với những xã nằm xa nhất, sâu nhất bên sườn Tây dãy núi Ba Vì như: Ba Vì, Minh Quang, Khánh Thượng..., nơi có hàng trăm hộ dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Xã Khánh Thượng xa nhất (giáp với tỉnh Hòa Bình) có những vạt rừng thuộc Vườn quốc gia Ba Vì quanh năm xanh tốt. Đặc biệt, vào mùa xuân, cây cối trong rừng đâm chồi, nảy lộc, hoa thơm đua nở. Theo con dốc lên Trạm Kiểm lâm Phú Khánh, 100 đàn ong của gia đình ông Bùi Văn Hồng đang thả tự do lấy mật hoa rừng. Chỉ tay về những tán rừng xa xa, ông Hồng nói: “Mùa này có nhiều loại hoa sồi, dẻ, bướm bạc... là thức ăn phong phú cho ong. Càng nhiều hoa, mật ong càng ngon. Chẳng thế mà dân gian có câu: Tháng ba, mùa con ong đi lấy mật. Hoa rừng là hoa sạch, không có tác động của bàn tay con người, không lẫn chất kích thích đậu quả, thuốc trừ sâu... do vậy mà chất lượng mật thơm ngon nhất”.

Niềm vui của người nuôi ong ở huyện Ba Vì.


Ở vùng núi Ba Vì, người nuôi ong biết tính mùa hoa để “gây” ong giống sao cho vòng đời ong nở ra đúng thời điểm lấy mật. Mật ong hoa nhãn, hoa vải thơm, vàng óng. Vào đúng vụ hoa, mỗi tuần 1 cầu ong quay mật 1 lần; mật hoa rừng màu đậm, do lượng hoa tự nhiên không rộ nên thời gian quay mật lâu hơn, chu kỳ 15 ngày sẽ quay được 1 lần. Ở Ba Vì, trung bình mỗi hộ nuôi ong có khoảng 120 đàn. Vào những năm được mùa, mỗi đàn ong có thể cho từ 10 đến 14 lít mật.

Như cộng sinh, những tán rừng cho ong mật ngọt và ngược lại nhờ những con ong chăm chỉ hút mật, thụ phấn cho hoa mà cây trong rừng đơm hoa, kết trái thuận lợi, làm phong phú thảm thực vật. Theo cán bộ kiểm lâm Trạm Kiểm lâm Ba Trại Đỗ Anh Tuấn, việc nuôi ong lấy mật góp phần tăng sản lượng 30% cho các loài trái cây ở Vườn quốc gia Ba Vì...

Ong ở Ba Vì có nguồn thức ăn phong phú nhờ vào những cánh rừng tự nhiên. Tuy vậy, ở một số thời điểm, các chủ ong phải đưa ong di tản đến nhiều nơi để tìm nguồn thức ăn. Có hộ đưa ong xuống các vùng thuộc huyện Quốc Oai, Chương Mỹ; lại có hộ phải đưa ong lên tận các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang để ong lấy mật hoa vào những mùa nhãn, vải... “Mỗi khi di chuyển ong, chúng tôi phải liên kết với các chủ vườn để gửi, còn nếu thả ong tự do ngoài đồng, ngoài bãi thì phải dựng lều để trông. Hết mùa hoa này lại di tản ong đến các vùng trồng hoa khác” - ông Hồng chia sẻ.

Cũng như nhiều nghề khác, nghề nuôi ong đòi hỏi sự cầu kỳ, cẩn thận, tỉ mỉ vô cùng. Đưa tay nhấc một cầu ong lên kiểm tra, ông Hồng rón rén, nhẹ nhàng, để không kinh động đến đàn ong. “Con ong rất khó tính. Nếu không nhẹ tay để ong "cáu giận", nó sẽ xù lên mà đốt chủ” - ông Hồng cho biết. Khó khăn nhất với người nuôi ong là làm sao để đàn ong không “bốc bay” - nghĩa là ong bỏ tổ. Có những người nuôi ong đã 7-8 năm vẫn thiếu kinh nghiệm. Rồi có những năm mất mùa, lượng mật thu về không đáng kể. Ví như năm 2017 vừa qua, thời tiết không thuận, mưa nắng thất thường nên nghề nuôi ong gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng mật giảm...

Ngoài nuôi ong lấy mật, các gia đình nuôi ong ở Ba Vì còn làm ong giống cung cấp cho các tỉnh. Làm ong giống cũng vất vả không kém. Ong giống phải chăm sóc cầu kỳ: Rét thì phải ủ ấm, nóng thì phải làm mát..

Xây dựng thương hiệu "Mật ong núi Ba Vì"

Huyện Ba Vì có địa hình chia thành ba vùng rõ rệt: Vùng núi Tản Viên, vùng đồi gò và vùng Đồng bằng ven sông Hồng. Do sự phân bố địa hình như vậy nên Ba Vì có vùng rừng tự nhiên, rừng cây lâm nghiệp, vùng cây ăn quả tập trung và xen kẽ rất thuận lợi cho nghề nuôi ong. Nghề nuôi ong “một vốn bốn lời” bởi tận dụng được lợi thế địa phương, vốn đầu tư thấp, không mất nhiều diện tích đất, nguồn thức ăn chủ yếu sẵn có trong vùng rừng núi tự nhiên.

Từ năm 2011, những người nuôi ong ở Ba Vì đã tập hợp thành Hội Nuôi ong. Thời gian đầu chỉ có 36 hội viên, đến nay tăng lên 96 hội viên, trải rộng tới 7 xã miền núi: Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Trại, Cẩm Lĩnh, Phong Vân, Thuần Mỹ và Tản Lĩnh. Anh Bùi Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nuôi ong huyện Ba Vì cho biết: Với 96 hội viên, tổng đàn luôn dao động từ 10.000 đến 14.000 đàn, sản lượng mật ong từ 12.000 đến 16.000 tấn/năm. Ngoài mật ong, ong giống được xuất đi các tỉnh trong nước, mỗi năm từ 7.000 đến 10.000 đàn.

Ông Nguyễn Văn Đường, ở thôn Pheo (xã Minh Quang), theo nghề nuôi ong đã 17 năm, cho biết, thời gian đầu, thiên nhiên còn thuận, càng về sau, thiên tai diễn biến ngày càng khó lường. Do vậy, thay vì dựa vào thiên nhiên, phải dựa vào khoa học kỹ thuật. Vùng núi Ba Vì có nguồn thức ăn dồi dào nhưng gia đình vẫn phải đưa ong xuống vùng trồng nhãn ở huyện Quốc Oai lấy thêm mật. Thuê ô tô đi, bao giờ hết mùa hoa lại đưa ong về hút mật hoa rừng ở Vườn quốc gia Ba Vì. Hiện, gia đình anh Đường có 156 đàn ong, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi vòng quay được 150 lít mật (1 tuần quay 1 lần) giá mật nhãn hiện là 200 nghìn đồng/lít, mỗi năm gia đình có thêm thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ mật ong. Theo ông Đường, xã Minh Quang có hơn 20 hộ nuôi ong. Nhờ nghề nuôi ong, đời sống người dân ngày một nâng lên. “Tính ra, trung bình mỗi hộ nuôi ong mỗi năm thu nhập từ 50 triệu đồng đến 150 triệu đồng tùy theo lượng đàn nhiều hay ít. Ba Vì là huyện miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên nuôi ong là nghề cho thu nhập ổn định và khá hơn hẳn so với làm ruộng” - ông Đường cho biết.

Nói về “ngôi nhà chung” của những người nuôi ong - ông Bùi Văn Hồng bày tỏ: Khi đó, phong trào nuôi ong trên địa bàn rất phát triển, nhiều hộ nuôi ong mới vào nghề cần được hỗ trợ, do vậy, anh em tập trung vào hội để hỗ trợ nhau. Còn Chi hội trưởng Chi hội Nuôi ong xã Minh Quang Nguyễn Văn Đường cho biết, Chi hội nuôi ong của xã luôn giúp nhau về kỹ thuật và trong mỗi chuyến đưa ong đi tìm mật nơi xa, hội viên làm đổi công cho nhau...

Hiện nay, Hội Nuôi ong Ba Vì đang phối hợp với Phòng Kinh tế huyện xây dựng thương hiệu “Mật ong núi Ba Vì”. Hồ sơ đã được UBND huyện Ba Vì gửi về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố. Hy vọng, khi xây dựng thành công thương hiệu, con ong và mật ong Ba Vì sẽ được nhiều người quan tâm, trở thành sản phẩm đặc sản có giá trị cao, giúp người nuôi ong - đặc biệt là nông dân vùng núi Ba Vì khắc phục khó khăn, tận dụng lợi thế địa lý, phát triển kinh tế và làm giàu cho gia đình, quê hương...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa ong đi lấy mật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.