Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ý chí và ước mơ của một nhà vật lý trẻ

Ngô Khiêm| 06/06/2018 06:20

(HNM) - Với công trình “Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng” được công bố trên tạp chí uy tín Physical Review D, Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn (Bộ môn Tin học vật lý, Khoa Vật lý, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa được nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi. Đây là công trình do anh nghiên cứu độc lập trong nước.


Nuôi dưỡng niềm đam mê

Lần đầu tôi biết Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn không phải là tiếp xúc trực tiếp với anh, mà là với mẹ anh khi may mắn gặp được bà tại sảnh chính Bộ Khoa học và Công nghệ, trong buổi lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Bà kể, từ nhỏ anh đã có sở thích xem, đọc và vẽ những gì liên quan đến hành tinh, đến các vì sao và đến giờ bà vẫn giữ được những tờ nháp vẽ ấy. Nét nguệch ngoạc ngày xưa và công trình khoa học của Tiến sĩ Tuấn bây giờ liệu có gì liên quan đến nhau, bà và tôi cũng không chắc...

Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn (bên trái) nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018.


Từ thông tin thú vị mà mẹ của Tiến sĩ Tuấn chia sẻ, tôi lần theo thời gian tìm về quá khứ khi anh mới là sinh viên đại học và lựa chọn hướng nghiên cứu. “Không thầy đố mày làm nên” - người đã khai mở, dẫn dắt anh những bước đi đầu tiên trên con đường khoa học là thầy Phạm Thúc Tuyền, Bộ môn Vật lý lý thuyết. Tiến sĩ Tuấn may mắn gặp được thầy Tuyền, hay thầy Tuyền đã có “con mắt xanh” nhận ra anh sinh viên có tố chất thiên bẩm để hướng dẫn? Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học, Đỗ Quốc Tuấn nhận được học bổng học tập và nghiên cứu tại Viện Vật lý, Đại học Quốc gia Chiao Tung, Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng cũng tại đây, một chút bất ngờ đã đến với anh khi Giáo sư W.F.Kao, người có hướng nghiên cứu trùng với hướng nghiên cứu mà anh theo đuổi thời đại học đã chuyển sang nghiên cứu vũ trụ học, một lĩnh vực hoàn toàn mới với cả anh và khoa học nước nhà. Nhưng với bản lĩnh và niềm đam mê sẵn có, anh đã dần tiếp cận được với hướng mới này. Anh bắt đầu tìm kiếm tài liệu và các bài báo liên quan tới hướng nghiên cứu của giáo sư hướng dẫn để học hỏi kỹ thuật tính toán và xây dựng mô hình riêng cho nghiên cứu của mình. Cũng trong thời gian này, ngoài việc lĩnh hội kiến thức chuyên ngành, anh còn được người thầy rèn cho tính cẩn thận, tỉ mỉ và cầu tiến trong nghiên cứu. Trong quá trình nghiên cứu, nhiều lúc anh cảm thấy chán nản vì nghiên cứu mãi mà chưa có kết quả. “Có những bài báo từ lúc lên ý tưởng đến khi hoàn thành tôi phải sửa đi, sửa lại đến 40 lần mới được thầy chấp nhận. Tôi nhớ hồi ấy hầu như mỗi ngày tôi phải làm việc từ 12h trưa đến sáng hôm sau mới về ký túc xá nghỉ ngơi”, Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn nhớ lại.

Thành công mở những ước mơ

Cũng tại Đài Loan, trong suốt hai năm cuối của khóa học (từ 2014 đến đầu 2016), anh đã nung nấu ý tưởng về công trình “Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng”. Tuy nhiên do thời gian gấp gáp cũng như bận rộn với luận án tiến sĩ mà anh chỉ phác thảo được các phép tính cơ bản. Đến đầu năm 2016, khi về nước, công tác tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, anh mới có thời gian hoàn thành và đúc kết lại thành hai bài báo (Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng và Lý thuyết lưỡng hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng), mỗi bài 21 trang đăng trên Tạp chí Physical Review D - một trong những tạp chí uy tín bậc nhất trong giới Vật lý lý thuyết. “Trước khi nộp bài cho tạp chí để phản biện, tôi đã đăng bài báo lên trang web của cộng đồng khoa học (arXiv.org). Ngay lập tức, ngày hôm sau tôi đã nhận được phản hồi tích cực của một số nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực này. Sau khoảng hơn một tháng kể từ thời điểm nộp cho tạp chí, tôi nhận được phản biện rất tích cực. Chuyên gia phản biện đã ghi nhận các kết quả và đề nghị tạp chí đăng luôn không cần chỉnh sửa. Từ lúc đăng đến lúc công bố là khoảng 2 tháng. Đây là một tín hiệu tốt giúp tôi tự tin tiếp tục công bố bài còn lại. Bài báo đầu tiên của tôi là bài báo tôi đăng ký tham gia Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018”, Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn chia sẻ.

Chính Đỗ Quốc Tuấn cũng thừa nhận, nếu so với một bài vật lý thông thường chỉ dài khoảng 6-10 trang, thì bài báo của anh khá dài. Song theo anh, bài báo dài hay ngắn, công bố nhanh hay chậm không quan trọng, mà điều quan trọng là kết quả có mới hay không, chủ đề có “nóng” hay không? Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn kể, để có được “trái ngọt” trong môi trường nghiên cứu khoa học như ở Việt Nam cần nỗ lực rất lớn. Môi trường làm việc, điều kiện nghiên cứu đang trong quá trình hoàn thiện, và thu nhập khác biệt dễ khiến các nhà khoa học dừng lại với những công bố nghiên cứu nhỏ hoặc chuyển sang làm những công việc khác. Còn anh và một số đồng nghiệp trẻ đã có may mắn khi được Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted) phê duyệt đề tài. Kinh phí của một đề tài Nafosted tuy chưa thật lớn như các đề tài của nước ngoài nhưng bước đầu đã giúp các nhà khoa học triển khai các ý tưởng, thực hiện và công bố các nghiên cứu với chất lượng ngày càng cao.

Thành công thúc đẩy sự nảy nở những ước mơ. Chia sẻ về những dự định sắp tới, tiến sĩ ở tuổi 33 cho biết, trước mắt anh còn rất nhiều việc cần làm. Tuy Giải thưởng Tạ Quang Bửu là một sự ghi nhận tích cực của cộng đồng khoa học Việt Nam đối với công trình khoa học của anh nhưng mọi thứ chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, một công trình được công bố sẽ còn rất nhiều vấn đề xoay quanh cần phải giải quyết. “Trong vòng hai năm tới, tôi sẽ tiếp tục khảo sát tiếp một số tính chất của lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng từ 4 chiều lên nhiều chiều”, anh cho biết thêm.

Tại lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu, nhiều người xúc động khi nghe Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn chia sẻ: “Hôm nay quả thực là một ngày đặc biệt trong sự nghiệp khoa học của tôi. Hôm nay, tôi có thể tự tin nói với bố mẹ mình rằng, con đã làm được điều mà bố mẹ đã mong chờ từ lâu. Hôm nay, tôi có thể tự tin nói với vợ thân yêu rằng em đã có một sự lựa chọn không tồi”. Đúng vậy, nghiên cứu khoa học là chặng đường dài đầy chông gai, thử thách. Và việc nhận giải thưởng danh giá mang tên nhà toán học nổi tiếng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tiên - Tạ Quang Bửu - là điều vinh hạnh trong sự nghiệp khoa học của mỗi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ý chí và ước mơ của một nhà vật lý trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.