Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức sống Trường Sa

Tiến Thành| 17/06/2018 08:09

(HNM) - Đến với huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1 vào tháng 5 lịch sử, chúng tôi ngỡ ngàng khi chứng kiến những vườn rau xanh mướt. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn về nguồn nước ngọt..., những vườn rau xanh như mang lại cho mỗi điểm đảo trên quần đảo Trường Sa sức sống mới căng tràn.

Chăm sóc rau trong nhà kính trên đảo Sơn Ca (quần đảo Trường Sa). Ảnh: Bá Hoạt


Nâng niu từng mầm xanh

Đến với huyện đảo Trường Sa, chúng tôi được nghe các cán bộ, chiến sĩ nói với nhau rằng, việc lãng phí nước ngọt, rau xanh là “có tội”. Và rau xanh chính là biểu tượng về sức sống mãnh liệt, cùng cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa vượt qua sóng gió, sự khắc nghiệt của thời tiết để vươn lên, bám đất, bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đá Nam là đảo chìm, dù hạn chế về nước ngọt nhưng các chiến sĩ vẫn tận dụng thùng nhựa, thùng xốp để trồng các loại rau muống, rau cải, bầu đất... Ngày nào, Binh nhất Lâm Xuân Bảo cũng dành thời gian chăm sóc rau xanh. Bàn tay đen sạm vì nắng gió của Bảo khéo léo nâng niu từng mầm xanh và trong đôi mắt của chiến sĩ trẻ ánh lên niềm hy vọng về một “vụ mùa” mới, cải thiện bữa ăn hằng ngày cho cán bộ, chiến sĩ. Bảo cho biết, hạt giống rau được đưa từ đất liền ra. Các cán bộ, chiến sĩ ai nấy đều phải có trách nhiệm chăm sóc rau, đặc biệt là tiết kiệm từng chậu nước sinh hoạt hằng ngày để tưới rau. Không phụ công người trồng, rau ở đảo Đá Nam luôn xanh tốt, góp phần cải thiện bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ.

Khi đặt chân lên đảo Len Đao, điều đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là những tấm tôn được quây kín. Chỉ khi “chiếc hộp sắt” này được mở ra, tất cả mọi người mới ngỡ ngàng trước những vạt rau xanh tốt, được trồng trong các khay đất. Thiếu tá Nguyễn Văn Trường cho biết, để chăm sóc rau, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải tận dụng triệt để các chất thải hữu cơ. Khi rau đến kỳ thu hoạch, lá úa, gốc rau đều được băm nhỏ, rải đều trong các chậu để tái tạo nguồn dinh dưỡng cho đất. Để tránh gió và nước biển, vườn rau trên đảo Len Đao được che bằng tôn. Nhờ những nỗ lực tăng gia sản xuất, lượng rau xanh trồng được trên đảo đã đáp ứng được nhu cầu bữa ăn hằng ngày.

Trồng rau ở đảo chìm đã khó, ở nhà giàn lại càng khó hơn. Thế nhưng, đến với Nhà giàn DK 1/7, chúng tôi rất ấn tượng với vườn rau xanh tươi tốt giữa đại dương mênh mông. Trung tá Lương Hữu Nhuần, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK 1/7 khoe, việc tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ được thực hiện cùng với việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng văn hóa. Trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, nhà giàn đã thu hoạch được hơn 1,2 tấn rau, làm được 189kg đậu phụ, hơn 200kg giá đỗ.

Mong có nhiều ứng dụng khoa học, kỹ thuật

Đứng giữa vườn rau xanh tốt, chiến sĩ trẻ Hoàng Anh Phương ở đảo Sơn Ca kể, cuối năm 2017, đảo chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão liên tiếp khiến phần lớn cây trồng bị thiệt hại nghiêm trọng. “Nhìn vườn rau xanh tốt sau bao ngày chăm bón chỉ qua một đêm đã dập nát, nhiều chiến sĩ đã không cầm được nước mắt” - Hoàng Anh Phương nói. Tuy nhiên, từ khi được đầu tư nhà kính, cán bộ, chiến sĩ đã bớt lo. Rau được trồng trong nhà kính trên đảo phát triển xanh tốt, cho năng suất cao hơn, không chỉ bảo đảm nhu cầu bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ trong những ngày biển động mà còn có điều kiện hỗ trợ cả ngư dân. Trung tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca vui mừng cho biết, năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, khối lượng rau xanh của đơn vị đạt gần 13 tấn.

Song Tử Tây là một đảo nổi trong quần đảo Trường Sa. Do đó, cơ sở hạ tầng nơi đây được đầu tư đầy đủ, đồng bộ hơn. Và bất kỳ chỗ nào có đất trống đều được quân, dân trên đảo trồng rau xanh. Thiếu tá Trương Hồng Phượng đưa chúng tôi đến thăm một nhà kính trên đảo được xây dựng và hoàn thiện từ năm 2013, có tổng diện tích khoảng 190m2. Sau khi có nhà kính, cán bộ, chiến sĩ trên đảo có thể trồng được nhiều loại rau khác nhau; năng suất cũng cao hơn so với rau trồng bên ngoài 15 - 20%. Thiếu tá Trương Hồng Phượng nói: "Để tận dụng diện tích nhà kính, chiến sĩ đã trồng xen các loại cây, rau, nhờ đó hiện lượng rau xanh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của quân và dân trên đảo. Nhiều cơn bão quét qua đảo, nhưng nhà kính vẫn chắc chắn, không bị ảnh hưởng, có tác dụng rất tốt trong việc che chắn mưa và hơi nước mặn, bảo đảm cho rau xanh phát triển”.

Quan sát những vườn rau xanh trên các điểm đảo ở Trường Sa và Nhà giàn DK1/7, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Lê Thị Thanh Nhàn ngỡ ngàng trước cách trồng rau rất sáng tạo và độc đáo của chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Rau xanh được phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, các loại rau quả và cả gia súc, gia cầm đều phát triển tốt, có năng suất cao. Trực tiếp chứng kiến sự khắc nghiệt của thời tiết và nỗi vất vả của các cán bộ, chiến sĩ, Giám đốc Lê Thị Thanh Nhàn ước ao, các nhà khoa học sẽ có nhiều hơn những công trình nghiên cứu để tạo ra giống rau, vật nuôi phù hợp với điều kiện khắc nghiệt trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Để có những mầm xanh phát triển từng ngày ở Trường Sa là đầy ắp tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. Việc trồng rau xanh không chỉ để cải thiện chất lượng bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ, mà còn là công việc giúp cán bộ, chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ đất liền, cùng nhau kiên cường bám đảo, bám nhà giàn, trở thành những "cột mốc sống", bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống Trường Sa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.