Theo dõi Báo Hànộimới trên

Y tế tư nhân: Vừa chạy vừa “vượt rào”

Thu Trang| 06/12/2017 06:52

(HNM) - Bên cạnh việc góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, hệ thống y tế tư nhân vẫn trong tình trạng vừa chạy vừa

Cần có những giải pháp cụ thể nhằm giúp hệ thống y tế tư nhân có các điều kiện hoạt động thuận lợi hơn.


Không được xếp hạng, không có bệnh nhân

Bà Phan Thị Hải, Phó Trưởng phòng Quản lý hành nghề khám chữa bệnh, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2004 đến 2017, số lượng bệnh viện tư nhân tăng gấp 5,2 lần. Hiện cả nước có hơn 200 bệnh viện tư với tổng số khoảng 45 nghìn giường bệnh nội trú. Trên thực tế, sự đóng góp của các cơ sở y tế tư nhân không chỉ dừng lại ở giải quyết bài toán quá tải ở bệnh viện công lập, mà còn giúp đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cung cấp cho người dân nhiều sự lựa chọn về khám, chữa bệnh.

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, sự bất bình đẳng trong xây dựng và triển khai chính sách y tế đối với hệ thống y tế tư nhân bắt nguồn từ nhận thức, quan điểm cho rằng, cơ sở y tế của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội, còn cơ sở y tế tư nhân là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực khám, chữa bệnh. Từ đó dẫn đến, bệnh viện công được bao cấp đủ thứ: Đất, nhà, thiết bị y tế, lương cán bộ, hỗ trợ đào tạo..., trong khi bệnh viện tư hoàn toàn phải tự thân vận động. Thậm chí, có thể kể thêm một loạt cơ chế thiếu công bằng về đầu tư, đào tạo, hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT… giữa cơ sở y tế công - tư.

Bà Nguyễn Thị Quang Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam dẫn chứng, nhiều chương trình đào tạo có kinh phí của Nhà nước, nhiều tổ chức phi chính phủ muốn hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tư nhân, song hầu như chưa có cơ chế để thực hiện. Hơn nữa, các bộ, ngành đang tích cực cắt giảm giấy phép con, thì Bộ Y tế lại quy định về chứng chỉ hành nghề, tạo rào cản cho cả khối bệnh viện công và tư. Điều này khiến một số giáo sư, bác sĩ khi nghỉ hưu vẫn không thể hành nghề, bởi chưa có chứng chỉ hành nghề, cho dù tay nghề của họ đã được khẳng định trong quá trình công tác...

Theo Luật Khám chữa bệnh năm 2009, hệ thống khám, chữa bệnh chia làm 4 hạng để tính suất đầu tư và bao gồm các tuyến: Xã, huyện, tỉnh, trung ương. Thế nhưng, nhiều bệnh viện tư nhân đến nay không biết ở hạng nào. Ông Nguyễn Thanh Hồi, Trưởng ban Pháp chế (Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam) cho biết, tại Thông tư 43/2013/TT-BYT ngày 11-12-2013 của Bộ Y tế về việc phân tuyến, phân hạng bệnh viện cũng chưa có quy định về xếp hạng cho cơ sở y tế tư nhân. Sau đó, Bộ Y tế có hướng dẫn, song lại không có sự công bằng. Cụ thể, cùng là bệnh viện đa khoa hạng 1, hạng 2 nhưng nếu là cơ sở y tế công lập thì vẫn được thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT; còn nếu là bệnh viện đa khoa tư nhân được xếp hạng 2 thì không được thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT.

Theo bà Nguyễn Thị Quang Hiền, chủ trương phân hạng bệnh viện tư có từ nhiều năm nay. Bộ Y tế và Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cũng đã có hàng chục cuộc họp để đưa ra tiêu chí phân hạng bệnh viện tư, song vẫn chưa thống nhất được. Tháng 11-2017, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có văn bản về việc ký hợp đồng và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm 2018, trong đó nêu rõ: Cơ sở y tế tư nhân phải có thêm quyết định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của cấp có thẩm quyền và biên bản thống nhất áp dụng mức giá theo hạng bệnh viện công lập tương đương. Điều đó có nghĩa, từ ngày 1-1-2018, các cơ sở y tế tư nhân chưa có quyết định phân tuyến sẽ bị dừng hợp đồng khám, chữa bệnh bằng BHYT, không được khám, chữa bệnh theo BHYT. Hiện có hơn 80% dân số Việt Nam tham gia BHYT, nếu không được khám, chữa bệnh BHYT, nguy cơ cơ sở y tế tư nhân không có bệnh nhân và buộc phải đóng cửa.

Tạo sự cạnh tranh bình đẳng

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội).


Ở các nước Mỹ La tinh và Châu Á, y tế tư nhân chiếm 20-30% trong hệ thống y tế; còn ở Việt Nam, tỷ lệ y tế tư nhân chỉ chiếm 5,4%. Cả tỉnh Phú Thọ có duy nhất một bệnh viện tư; tỉnh Tuyên Quang không có bệnh viện tư nào… Qua đó cho thấy, y tế tư nhân ở Việt Nam chưa thực sự đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho rằng, trong quá trình phát triển, y tế ngoài công lập vẫn phải vừa chạy, vừa "vượt rào”, không ít phòng khám, bệnh viện tư bị thua lỗ vì không thu hút được người bệnh. Hơn nữa, các y, bác sĩ làm việc trong khối y tế tư nhân đang phải chịu áp lực rất lớn khi có tai biến y khoa. Nếu như tai biến y khoa xảy ra tại các bệnh viện công, bệnh viện được cơ quan quản lý chỉ đạo thành lập hội đồng thẩm định, được ngành Y tế đứng sau hỗ trợ, còn bệnh viện tư phải tự giải quyết...

Theo ông Nguyễn Văn Đệ, cần phải nhìn vào thực tế là có những bệnh viện tư nhân làm rất tốt, khẳng định được vị thế của mình. Song, cũng có một số bệnh viện thực hiện chưa đúng quy định, làm ảnh hưởng chung đến hệ thống bệnh viện tư nhân. Vì vậy, với bất cứ trường hợp nào vi phạm, dù bệnh viện tư hay công cũng cần xử lý nghiêm. Cùng với đó, các chính sách cần có sự công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở công lập và tư nhân, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình cơ sở y tế.

Trong tháng 12 này, Bộ Y tế sẽ kiện toàn lại và phân hạng cho bệnh viện tư nhân. Xu thế chung trên thế giới, bên cạnh y tế công do Nhà nước lập ra, mạng lưới y tế tư nhân ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Do đó, Bộ Y tế đang bàn các giải pháp giúp hệ thống cơ sở y tế tư nhân có các điều kiện hoạt động thuận lợi hơn, phát triển đúng tiềm năng và nhu cầu của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Y tế tư nhân: Vừa chạy vừa “vượt rào”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.