Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi chừng “tiền mất tật mang”

Thu Trang| 15/01/2018 08:28

(HNM) - Khi tỷ lệ mắc tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang tăng cao, đặc biệt ở trẻ em lứa tuổi đến trường thì nhiều website, mạng xã hội, thậm chí tờ rơi được trao tận tay phụ huynh ở nhiều cổng trường với những lời quảng cáo “có cánh”…


Chỉ là trò “lừa đảo”!

Đề cập đến tình trạng cận thị học đường, ông Đặng Xuân Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, qua báo cáo một số đề tài khoa học thực hiện tại một số trường THCS, THPT và đại học trên địa bàn Hà Nội gần đây cho thấy, rất nhiều lớp học có tỷ lệ học sinh, sinh viên bị cận thị lên tới hơn 50%, thậm chí có lớp tới 70%. Tại bệnh viện đã gặp nhiều trường hợp bố mẹ không cho con đeo kính khi phát hiện trẻ bị tật khúc xạ.

Thay vào đó, họ đưa con đến những cơ sở xoa bóp, bấm huyệt, tập yoga, ngồi thiền… với hy vọng lấy lại đôi mắt sáng, khỏe. Thế nhưng, sau thời gian luyện mắt bằng các phương pháp này, độ cận, loạn thị vẫn tăng. Thậm chí, có trường hợp bị biến chứng nặng.

Những phương pháp chữa tật khúc xạ không có cơ sở khoa học có thể gây hậu quả khôn lường.


Theo ông Đặng Xuân Nguyên, nếu chữa khỏi cận thị, loạn thị sau khi bấm huyệt, xoa bóp, tập yoga, ngồi thiền... chỉ có thể là những trường hợp bị “cận thị giả”. Chẳng hạn, những người phải làm việc liên tục với máy tính hằng tuần, những học sinh tới mùa thi phải học tập với cường độ cao khiến mắt phải điều tiết liên tục nên thị lực giảm dễ gây ra tình trạng “cận thị giả”. Khi để mắt được nghỉ ngơi bằng việc tập yoga, ngồi thiền… thì thị lực có thể tự trở lại bình thường.

“Ngược lại, những trường hợp mắc tật khúc xạ, nếu chạy theo những phương pháp luyện tập trên, không được đeo kính, mắt sẽ phải điều tiết nhiều hơn. Để càng lâu, thị lực càng giảm. Thậm chí, khi quay lại bệnh viện để điều trị, thị lực không thể phục hồi. Chưa kể, nếu xoa bóp, massage vào mắt thô bạo có thể gây chấn thương mắt”, ông Đặng Xuân Nguyên cảnh báo.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương cho rằng, tại một số nước trong khu vực như: Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore…, tỷ lệ người dân bị tật khúc xạ khá cao. Phương pháp điều trị của họ cũng là dùng kính thuốc hoặc phẫu thuật. Không có nơi nào điều trị tật khúc xạ bằng tập yoga hay ngồi thiền… Ngay cả các tài liệu y khoa mới nhất cũng không đề cập đến những cách thức trên.

“Với tư cách là nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về mắt, tôi khẳng định, các phương pháp chữa tật khúc xạ trên là lừa đảo, không có cơ sở khoa học”, bác sĩ Nguyễn Xuân Hiệp khẳng định.

Tăng cường kiểm tra cơ sở chữa tật khúc xạ

Theo ông Đặng Xuân Nguyên, với các tật khúc xạ, việc phục hồi thị lực phải dựa trên những bằng chứng khoa học cùng các thiết bị hỗ trợ điều trị dành riêng cho nhãn khoa và những chuyên gia được đào tạo bài bản. Việc áp dụng những phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng có thể gây ra hệ lụy lớn về mắt. Do đó, khi trẻ mắc bệnh về mắt, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ tới các khoa hoặc bệnh viện chuyên khoa mắt để thực hiện việc thăm khám, điều trị, không nên thực hiện theo “mẹo”, phương thuốc dân gian hay nghe theo lời quảng cáo thiếu khoa học…

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, người bệnh khi sử dụng bất kỳ phương pháp chữa bệnh nào đều phải được cơ quan y tế có thẩm quyền cho phép. Sở Y tế chưa cấp phép cho bất cứ cơ sở nào chữa cận thị cũng như bệnh lý về mắt bằng phương pháp tập yoga. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra các trung tâm tập mắt, yoga mắt, phục hồi thị lực học đường… đang được quảng bá rầm rộ trên các trang mạng. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt, thậm chí đóng cửa các cơ sở đó.

Bác sĩ Lê Việt Sơn, Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra lời khuyên, nhiều học sinh do việc học tập quá căng thẳng, phải học ở trường, học tăng tiết, học thêm..., việc tập trung nhìn trong thời gian dài dễ dẫn đến cận thị. Mặt khác, ở thành phố do điều kiện nhà ở chật hẹp, bàn ghế không phù hợp, trẻ xem ti vi quá gần, sử dụng máy vi tính, chơi trò điện tử liên tục… làm cho thị lực suy giảm.

Vì vậy, cần phải tránh những yếu tố nguy cơ trên; có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây bảo đảm đủ các loại vitamin và ngủ đủ từ 8 đến 10 giờ/ngày. Đồng thời, cho trẻ đi khám kiểm tra mắt 6 tháng/lần tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như: Mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.

Theo bác sĩ Lê Việt Sơn, trẻ em phải có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ 1 giờ phải nghỉ 10-15 phút. Khi xem ti vi, chơi điện tử không quá 60 phút/lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Coi chừng “tiền mất tật mang”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.