Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ghép tế bào gốc: Hồi sinh cho nhiều số phận

Thu Hằng| 03/10/2018 10:08

(HNMO) - Nhờ những tiến bộ của y học nước nhà trong việc ghép tế bào gốc mà hàng trăm con người tưởng đã tuyệt vọng vì không còn cơ hội sống được “cải tử hoàn sinh”.

Món quà của số phận

Cô gái Quảng Bình vượt lên số phận Hoàng Thị Thùy Linh.


Trong niềm hạnh phúc nghẹn ngào khi được gặp lại những người thầy thuốc đã đưa mình từ cõi chết trở về, Thùy Linh chia sẻ: “Em phát hiện mắc bệnh Lơ-xê-mi (Leukemia) cấp thể M5a hay còn gọi là bệnh máu trắng năm 28 tuổi. Đó là vào tháng 9-2014. Trước đó em bị sốt và giảm tiểu cầu, phải truyền máu. Những lần truyền là những lần sốt cao, kèm rét, rét run người. Cảm giác như rét từ trong xương tủy vậy. Đỉnh điểm có hôm sốt hơn 40 độ C, người rét run bần bật rồi thiếp đi lúc nào không biết. Lúc tỉnh lại người ướt đẫm mồ hôi, tay chân tê dại không còn cảm giác… 'Cú đá' của số phận đã khiến em từ một cô gái năng động, mê du lịch phải nằm bẹp tại bệnh viện chiến đấu với ung thư máu”.

Bệnh của Linh thuộc nhóm tiên lượng xấu. Các bác sĩ ở Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, sau khi hội chẩn, đã quyết định phương án tối ưu nhất để cứu sống Linh là phải ghép tế bào gốc cho cô và nguồn tế bào gốc sẽ được kiểm tra nếu hợp sẽ lấy từ người em trai ruột của Linh.

Thế nhưng khi tiến hành xét nghiệm HLA (để đánh giá mức độ hòa hợp) từ người em, lại không phù hợp. Vì vậy, tất cả hy vọng của Linh là trông chờ vào việc tìm được đơn vị máu dây rốn không cùng huyết thống phù hợp trong Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện.

Cần phải nói thêm là vào thời điểm cuối năm 2014, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương chỉ thực hiện 2 phương pháp ghép tế bào gốc: Ghép tự thân (lấy tế bào gốc từ bệnh nhân ghép cho chính họ) và ghép đồng loại cùng huyết thống (lấy tế bào gốc từ người hiến cùng huyết thống là anh chị em ruột để ghép cho bệnh nhân). Trường hợp của Linh khiến các bác sỹ của Viện phải quyết định ghép bằng một phương pháp mới: Ghép đồng loại không cùng huyết thống, tức là lấy tế bào gốc phù hợp trong Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện để ghép cho cô.

May mắn thay, mới chỉ có 700 mẫu máu dây rốn đang lưu trữ tại Viện, các bác sĩ đã tìm ra đơn vị máu dây rốn phù hợp về mức độ hòa hợp HLA liều tế bào gốc để tiến hành ca ghép.

Bác sĩ Viện Huyết học và Truyền máu trung ương điều trị cho Thùy Linh.


Ngày 30-12-2014, ca ghép đồng loại không cùng huyết thống đầu tiên sử dụng mẫu máu dây rốn của Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện Huyết học và Truyền máu trung ương được tiến hành.

Theo các bác sĩ, trước khi thực hiện ca ghép này, Viện đã lường trước những khó khăn có thể xảy ra như: Bệnh nhân bất đồng nhóm máu dễ gây chậm mọc mảnh ghép, thời gian mọc mảnh ghép kéo dài nên nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết cao… Tuy nhiên, với niềm tin sắt đá và những vòng tay giúp đỡ tận tình, ca ghép của Hoàng Thị Thùy Linh đã thành công và cô gái Quảng Bình đã lại nhìn thấy những trang tươi sáng của cuộc đời.

Sau khi khỏi bệnh, Thùy Linh đã trở lại với niềm đam mê du lịch.


Lòng biết ơn sâu sắc

Nói về quãng thời gian bệnh tật của mình, ánh mắt Thùy Linh ánh lên niềm biết ơn. Cô kể, suốt những tháng ngày nằm viện, cô đã được đọc những trang sách vượt lên số phận của Hoàng Thị Diệu Thuần.

Hoàng Thị Diệu Thuần là tác giả của 2 cuốn tự truyện: “Như hoa hướng dương” (2012) và “Muôn ánh mặt trời” (12-2015). Nếu cuốn đầu tiên chỉ là những trang nhật ký trên giường bệnh trước khi Thuần tiến hành ca ghép tủy thì cuốn thứ hai đã tái hiện nghị lực sống phi thường trong hành trình 10 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu của Thuần.


Thuần sinh năm 1987, quê ở Quỳ Hợp, Nghệ An, bị ung thư máu năm 18 tuổi và cũng đã trải qua nhiều phác đồ điều trị, bao gồm cả thuốc nhắm đích đặc hiệu nhưng không thành công. Năm 2012, Thuần được ghép tế bào gốc tại Viện. Với một đội ngũ thầy thuốc tận tâm, giỏi nghề, cô gái trẻ đã hồi sinh.

Linh nói, khi nằm viện, cô không biết hết những khó khăn mà các bác sĩ phải vượt qua. Ra viện rồi, Linh mới biết được rằng, cô may mắn hơn Diệu Thuần, bởi nếu không có Ngân hàng Tế bào gốc cộng đồng thì cơ hội được ghép tế bào gốc của Linh gần như không có. “Đấy là điều may mắn kỳ diệu của cuộc đời em. Mẹ em đã không dám tin là em có thể được cứu sống. Em vô cùng biết ơn các giáo sư, bác sĩ ở Viện đã tận tâm giúp em được trở lại với cuộc sống bình thường với những ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc”.

Thể thao và bơi lội cũng là niềm đam mê của Thùy Linh.


Được biết, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương đã miễn hoàn toàn chi phí đơn vị máu dây rốn cho Thùy Linh. Gia đình cô chỉ phải chi trả viện phí theo chế độ bảo hiểm y tế.

Sự kỳ diệu của khoa học

Nhận thức về vai trò của tế bào gốc trong điều trị các bệnh lý về huyết học, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương đã sớm triển khai phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo.

Năm 2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương đã được Viện thực hiện và thành công tốt đẹp. Đến tháng 5-2008, Viện tiếp tục thành công với ca ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên, đánh dấu một kỷ nguyên mới: Đưa ghép tế bào gốc trở thành một phương pháp điều trị đầy triển vọng đem lại cơ hội khỏi bệnh cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học tại Viện.

Kỹ thuật viên đang xử lý túi máu dây rốn sau khi được lấy từ sản phụ để tách lấy khối tế bào gốc.


Được sự quan tâm của Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ, có thể nói, từ năm 2010 đến nay là giai đoạn phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ nhất của các hoạt động liên quan đến tế bào gốc ở Viện Huyết học và Truyền máu trung ương, trở thành một hướng điều trị mũi nhọn ở Viện.

Viện đã tích cực đào tạo cán bộ, đầu tư trang thiết bị, đảm bảo hóa chất, sinh phẩm và thuốc men, giải quyết các vấn đề pháp lý - đặc biệt là bảo hiểm y tế… Sau khi cải tạo và hoàn thiện khu vực phòng bệnh ghép đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngang với các nước trong khu vực và trên thế giới, tháng 5-2014, Viện triển khai Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam. Đây là nơi cung cấp đáng kể nguồn tế bào gốc để ghép điều trị cho bệnh nhân không có người hiến tế bào gốc cùng huyết thống.

Tháng 12-2014, Viện tiến hành ca ghép đồng loại không cùng huyết thống đầu tiên sử dụng mẫu máu dây rốn của Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng (ca ghép của Hoàng Thị Thùy Linh). Đây là bước đột phá lớn trong lĩnh vực y học nước nhà.

Hoàng Thị Thùy Linh ngày xuất viện.


Sau thành công của Thùy Linh, với phương pháp này, Viện đã cứu sống hàng chục người bệnh như cô.

Để có thể thu thập được những mẫu máu dây rốn từ những sản phụ tình nguyện hiến, Viện đã liên kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đến nay, ngân hàng này đã tiếp nhận, xử lý và lưu trữ được gần 4.000 mẫu máu dây rốn, mẫu tế bào gốc đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, Viện cũng đã bước đầu ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm HLA độ phân giải cao cho các mẫu dịch nước ối nhằm xác định trước sinh sự phù hợp HLA của mẫu máu dây rốn với bệnh nhi, góp phần tư vấn cho các sản phụ có ý định lưu trữ máu dây rốn để ghép cho các bệnh nhi mắc các bệnh máu bẩm sinh hoặc bệnh máu ác tính là anh chị của thai nhi đang nằm trong bụng mẹ.

Theo TS.BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện, ngân hàng này được đánh giá là cơ sở duy nhất của Việt Nam cung cấp mẫu tế bào gốc để ghép đồng loài cho bệnh nhân không cùng huyết thống và cũng là đơn vị sử dụng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng để ghép cho người bệnh nhiều nhất trên cả nước tính đến thời điểm này. Bên cạnh đó, chất lượng các mẫu tế bào gốc đang lưu trữ tại Ngân hàng Tế bào gốc của Viện đủ tiêu chuẩn không chỉ ghép cho bệnh nhân nhi khoa mà còn cho cả bệnh nhân người lớn.

Trải qua rất nhiều bước xử lý, cuối cùng khối tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng được lưu trữ và bảo quản trong nitơ lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C trước khi đưa ra sử dụng.


Tính đến tháng 9-2018, Viện Huyết học và Truyền máu trung ương đã ghép cho 336 ca bệnh, trong đó có 25 ca được ghép từ nguồn máu dây rốn cộng đồng. Nhờ những tiến bộ của y học nước nhà trong việc ghép tế bào gốc mà hàng trăm con người tưởng đã tuyệt vọng vì không còn cơ hội sống được “cải tử hoàn sinh”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghép tế bào gốc: Hồi sinh cho nhiều số phận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.