Theo dõi Báo Hànộimới trên

HIV không còn là “án tử” nếu tuân thủ điều trị ARV

Xuân Lộc| 13/10/2018 08:04

(HNMO) - Trước đây, HIV được gọi là “căn bệnh thế kỷ”, nếu nhiễm HIV coi như mang “án tử”. Nhưng nay, nếu người có HIV tuân thủ việc điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), thì vẫn hoàn toàn có thể sống như người bình thường.

Tại Bệnh viện 09 (Thanh Trì, Hà Nội), hơn 600 bệnh nhân HIV/AIDS đang được điều trị, trong đó có nhiều người vẫn lập gia đình, sinh con bình thường và không lây nhiễm HIV cho con. Bác sĩ Mai Thị Hường, Trưởng khoa Khám bệnh - Tư vấn và Điều trị ngoại trú (Bệnh viện 09) cho biết, khi dương tính với HIV, bệnh nhân vẫn có thể sống 5-10 năm, nếu không được điều trị. Còn khi được điều trị ARV, họ được sống khỏe mạnh, tham gia sinh hoạt và lao động như người bình thường. Nếu người có HIV được xác định sớm và đi điều trị ngay, điều trị đúng phác đồ bằng thuốc ARV, thì sau 3 tháng, nồng độ vi rút HIV trong máu sẽ giảm mạnh, người nhiễm bắt đầu khỏe mạnh trở lại gần như bình thường, thậm chí, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp. Khi đã điều trị bằng thuốc ARV từ 6 tháng đến 1 năm, vi rút HIV bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm đến mức không còn phát hiện nữa. Như vậy, người bệnh khỏe mạnh như người không có HIV và không còn nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Người nhiễm phải điều trị bằng thuốc ARV cả đời. Ảnh: VAAC.


Thuốc ARV được chứng minh giảm đến 96% nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục. Đặc biệt, nếu phụ nữ mang thai có HIV được điều trị dự phòng bằng ARV ở giai đoạn sớm và con của họ được dùng sữa ăn thay thế sữa mẹ, thì tỷ lệ lây nhiễm có thể dưới 2%. Điều quan trọng là phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Mai Thị Hường, ngay tại bệnh viện, việc tuân thủ phác đồ điều trị ARV của bệnh nhân cũng rất kém, nhất là những bệnh nhân nghiện ma túy. Có những bệnh nhân không duy trì điều trị ARV, nên việc theo dõi, chăm sóc và điều trị rất vất vả. Không chỉ vậy, việc sử dụng ARV không thường xuyên, bỏ giữa chừng sẽ làm cho quá trình điều trị không hiệu quả. Khi bỏ thuốc, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng cơ hội, phải quay lại điều trị từ đầu, rất mất thời gian và sức khỏe của họ cũng bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện có 85% bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV được xét nghiệm tải lượng vi rút HIV; 80,9% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ lây HIV từ mẹ sang con thấp (0,7%)... Do các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm đáng kể, vì vậy, từ năm 2019, việc xét nghiệm và điều trị cho người có HIV bằng thuốc ARV đang từ miễn phí chuyển sang hình thức thanh toán qua bảo hiểm y tế. Do đó, nếu có thẻ bảo hiểm y tế sẽ giúp người có HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế, nhất là khi yêu cầu điều trị ARV phải liên tục và suốt đời.

Theo các quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi có HIV, người có HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số... được cơ quan bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã về hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%... Như vậy, người có HIV chỉ phải chi trả nhiều nhất là 20% tiền chữa bệnh. Người có HIV/AIDS khi có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong dịch vụ y tế như: Khám bệnh, làm xét nghiệm phục vụ quá trình điều trị, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HIV không còn là “án tử” nếu tuân thủ điều trị ARV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.