Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nợ xấu còn “vướng” ở đâu?

Đức Anh| 09/12/2016 07:00

(HNM) - Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện chiếm 2,62% tổng dư nợ, dưới ngưỡng nguy hiểm 3%. Mặc dù một khối lượng nợ xấu khổng lồ đã được xử lý nhưng các chuyên gia cho rằng, con số thực tế vẫn khá lớn trong khi nhiều giải pháp xử lý chưa thể thực thi. Vậy việc xử lý nợ xấu còn

Nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng, góp phần tích cực giải quyết nợ xấu. Trong ảnh: Hoạt động giao dịch tại Agribank.Ảnh: Thanh Hải


Xử lý chưa triệt để

Mặc dù con số mới nhất về nợ xấu chỉ cập nhật đến hết tháng 9-2016 nhưng theo nhiều chuyên gia, nợ xấu không có nhiều thay đổi. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết: Nếu thời điểm trước, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD là 464.664 tỷ đồng, tương đương 17,21% tổng dư nợ tín dụng thì tính đến tháng 9-2016, còn 147.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,62% tổng dư nợ. Nếu tính cả nợ xấu TCTD bán cho VAMC sau khi thu hồi nợ và xử lý rủi ro là 186.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 5,84%.

Như vậy, kể từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống đã xử lý được 548.500 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, phần bán cho VAMC là 220.000 tỷ đồng, chiếm 40,14%, các TCTD tự xử lý 328.000 tỷ đồng, chiếm 59,8%. Thực chất trong 328.000 tỷ đồng đó, chiếm lớn nhất là 141.886 tỷ đồng do các TCTD sử dụng nguồn lực dự phòng rủi ro, 108.755 tỷ đồng là thu được nợ từ khách hàng, 16.356 tỷ đồng bán nợ cho các tổ chức, cá nhân, còn lại là các hình thức khác.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều rào cản. Theo số liệu từ NHNN, tỷ lệ nợ xấu đến hết tháng 9-2016 là 2,62%, nhưng tỷ lệ nợ xấu trên chưa tính đến khối lượng đã bán cho VAMC chưa được thu hồi, nợ cơ cấu lại theo Quyết định 780/NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ của NHNN. Do vậy, tính sơ bộ, tỷ lệ nợ xấu tính đến hết tháng 9-2016 phải bằng tổng nợ xấu được báo cáo cộng với nợ xấu bán cho VAMC chưa thu hồi, mức cao hơn nhiều so với con số 2,62%.

Con số nợ xấu đã được xử lý không nhỏ, "cục máu đông" đang dần tan, không còn là nỗi ám ảnh với nền kinh tế, nhưng các chuyên gia vẫn đánh giá, việc xử lý chưa triệt để. Sự xuất hiện của VAMC không phải là "liều thuốc" trị dứt điểm nợ xấu, mà được ví như "củ sâm" để các TCTD "ngậm" cầm chừng trên đường đến "bệnh viện". Trên thực tế, hiện nay hoạt động của VAMC cũng chỉ như "cái giỏ" nhằm gom tất cả các loại nợ xấu, còn làm thế nào để giải phóng số nợ xấu đó lại chưa có biện pháp hiệu quả.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Về nợ xấu của hệ thống các TCTD, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Tỷ lệ nợ xấu được công bố chính thức thấp, nằm trong chuẩn, nhưng con số nợ xấu nằm ở ngân hàng, VAMC và nợ cơ cấu theo Quyết định 780/NHNN ở mức cao hơn. Đến nay, các ngân hàng đã nhận thức rõ ràng, xác định trách nhiệm cụ thể, xử lý nợ xấu đã rất tích cực, nhưng kết quả còn ít chuyển biến. Việc giảm nợ xấu thực sự chủ yếu là do trích lập, sử dụng dự phòng và chuyển nợ xấu sang VAMC. Vấn đề mấu chốt là thu hồi nợ, trong đó có việc bán nợ theo giá thị trường và phát mại tài sản bảo đảm để thu được "tiền tươi thóc thật" còn hạn chế.

Câu hỏi đặt ra là việc xử lý nợ xấu còn vướng mắc ở đâu? Theo các TCTD, tỷ lệ nợ xấu có tài sản bảo đảm chiếm hơn 90% tổng nợ xấu, nhưng khâu xử lý tài sản bảo đảm của các TCTD còn gặp nhiều khó khăn về pháp lý, ảnh hưởng đến tốc độ xử lý nợ xấu. Phó Thống đốc NHNN, PGS.TS Nguyễn Kim Anh cho biết, việc xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm đòi hỏi có hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp của bên cho vay, tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các bên lựa chọn cách xử lý nhanh chóng, thuận tiện...

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, cần nhanh chóng gỡ vướng cho việc xử lý tài sản bảo đảm, vì nếu quyền xử lý tài sản bảo đảm của TCTD được thực thi sẽ không chỉ bảo vệ lợi ích của người cho vay, mà còn bảo vệ cả lợi ích của người đi vay và cao hơn nữa là cả nền kinh tế. Xử lý tài sản bảo đảm không chỉ giúp TCTD xử lý nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn theo chuẩn quốc tế và quy định của NHNN, khơi thông thị trường tín dụng ngân hàng, mà còn hoạt hóa khối tài sản khổng lồ trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng đang nằm ở các tranh chấp giữa người cho vay với người đi vay, mang lại lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế. Để xử lý dứt điểm và hiệu quả nợ xấu không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của riêng Ngành Ngân hàng, mà còn cần sự tham gia tích cực của các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, xử lý nợ xấu là nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo đảm ổn định vĩ mô, phát triển kinh tế, xã hội. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhất trí với các bộ, ngành sẽ kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng luật phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế gắn với xử lý nợ xấu theo trình tự rút gọn. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu VAMC nhanh chóng hoàn thành Đề án hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và nâng cao năng lực của VAMC trong thời gian tới. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nợ xấu còn “vướng” ở đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.