Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín dụng tiêu dùng tăng vọt

Hương Thủy| 08/12/2017 08:48

(HNMO) - Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9%.

Ước tính đến cuối tháng 11-2017, tổng tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng trước, tăng 15,3% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,6% so với đầu năm).

Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng trung dài hạn và tăng tỷ trọng ngắn hạn. Tín dụng trung và dài hạn ước tăng 12,7% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,9%), chiếm 53,8% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%).

Tín dụng ngắn hạn ước tăng 18,6% (cùng kỳ năm 2016 tăng 15,2%), ước tính tỷ trọng tín dụng ngắn hạn tăng lên 48,7% (cuối năm 2016 là 44,9%).

Đến cuối tháng 11, tổng tín dụng ước tăng 15,3% so với đầu năm.


Tín dụng ngoại tệ tăng chậm lại trong tháng 11 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Tín dụng bằng ngoại tệ ước tăng 12,3% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 5,8%). Tín dụng bằng VND ước tăng 15,6% (cùng kỳ 2016 tăng 16,6%). Tín dụng bằng VND chiếm khoảng 91,8%, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,2% tổng tín dụng.

Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp khoảng 8,1%. Tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng khoảng 15,5% (năm 2016 từ 17,1%). Trong đó, cho vay vào hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 5,8% (năm 2016 là 7,0%), vào lĩnh vực xây dựng khoảng 9,7% (năm 2016 là 10,1%).

Đáng chú ý, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho hay, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9% (cuối năm 2016 là 49,5%), cho vay mua trang thiết bị gia đình chiếm 15,3%; cho vay mua phương tiện đi lại chiếm 8,3%.

Huy động vốn tháng 11 tăng ổn định nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2016, ước tăng 13,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 16,6%). Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng 12,5%; phát hành giấy tờ có giá ước tăng 38,2% so với cuối năm 2016.

Huy động VND ước tăng 14,7% so với cuối năm 2016, chiếm 90,2% tổng huy động. Huy động ngoại tệ ước tăng 3% so với cuối năm 2016. Huy động vốn có kỳ hạn tăng 14,9%, chiếm 80,8% tổng huy động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng tiêu dùng tăng vọt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.