Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều rủi ro với cho vay ngang hàng

Hà Linh| 04/08/2018 06:37

(HNM) - Bên cạnh những hình thức cho vay truyền thống khác, cho vay ngang hàng đang là xu thế mới hiện nay. Đây là hình thức cho vay có cơ chế trực tiếp và tín chấp, giúp người đi vay bảo đảm bằng uy tín để mượn tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua trung gian. Tại Việt Nam, mô hình này vẫn chưa được cấp phép nên các công ty hoạt động thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Cũng chính vì thế, hình thức cho vay này tiềm ẩn không ít rủi ro...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại các ngân hàng sẽ tăng thêm tính an toàn của mô hình cho vay ngang hàng.


Cho vay ngang hàng là xu thế mới ở nhiều nước trên thế giới, được coi là sự sáng tạo của nền kinh tế số, giúp nhiều người có thêm cơ hội vay vốn. Đây là phương thức kết nối người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới cùng với hệ thống công nghệ tiên tiến.

Thông thường, ngân hàng huy động tiền từ người dân hoặc tổ chức, sau đó triển khai các sản phẩm cho vay, nhưng với hình thức cho vay ngang hàng, người vay và người cho vay gặp nhau trên sàn, thông qua kết nối công nghệ, trực tiếp giao dịch với nhau mà không cần qua trung gian là ngân hàng. Phương thức này ngay từ khi ra đời đã được đón nhận, bởi người vay có thể được hưởng lãi suất tốt hơn so với vay ở ngân hàng, thủ tục cũng đơn giản hơn. Thế nhưng, vì sự dễ dàng và đơn giản đó, mà hình thức này tiềm ẩn không ít rủi ro.

Trên thực tế, hình thức cho vay ngang hàng đã xuất hiện ở Việt Nam từ cuối năm 2015 do các công ty fintech (công nghệ cung cấp dịch vụ tài chính) kết nối những người có nhu cầu cho vay và cần vay mà không qua ngân hàng. Do mô hình này chưa được cấp phép, nên một số công ty vẫn "lách" quy định với việc đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Mặc dù chưa phát triển rộng, nhưng hình thức này được đánh giá là có tiềm năng phát triển ở Việt Nam vì đây là nơi gặp gỡ giữa người vay và người cho vay khá thuận lợi, nhanh chóng.

Hầu hết các bước trong quá trình giao dịch và thanh toán thực hiện thông qua mạng internet mà không cần gặp mặt đối tác. Các công ty có dịch vụ cho vay ngang hàng thường cung cấp các khoản vay với số tiền nhỏ và thời gian ngắn, nên các nhà đầu tư ít vốn và ít kinh nghiệm cũng có thể tham gia cho vay, bởi số tiền đầu tư tối thiểu chỉ là 500 nghìn đồng. Còn đối với những khách hàng cần các khoản tiền "nóng" trong thời gian ngắn, có thể vay tín chấp, với số tiền tối thiểu là 5 triệu đồng trong 10 ngày.

Tuy nhiên, đơn giản luôn đồng nghĩa với rủi ro, vì đây là hình thức mới, với mọi thủ tục được đơn giản hóa nên nhà đầu tư cần thận trọng khi tham gia. Theo chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Luật pháp Việt Nam chưa quy định về hình thức cho vay này và cũng không có một hành lang pháp lý điều chỉnh, nên hoạt động cho vay ngang hàng không thực sự an toàn cho những người tham gia. Rủi ro lớn nhất đối với nhà đầu tư có thể là mất tiền. Nhà đầu tư cần phải nhận thức rõ đây không phải là kênh “gửi tiền”, mà là kênh đầu tư nên phải chấp nhận rủi ro. Đó là chưa kể, bên cạnh những công ty cho vay ngang hàng hoạt động đúng mô hình kinh tế, còn có một số công ty lợi dụng mô hình này để hoạt động tín dụng "đen" trá hình hoặc lừa đảo...

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cần xây dựng luật về cho vay ngang hàng, trong đó, quy định rõ vai trò môi giới của công ty fintech. Vai trò của những công ty này là chỉ môi giới hay là trung gian tài chính, có cần thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng hay không? Các công ty fintech tham gia cho vay ngang hàng phải được đăng ký, tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có quy định về vốn, trụ sở để nếu những công ty này vi phạm còn có chế tài xử lý...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều rủi ro với cho vay ngang hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.