Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế mạnh mẽ

Bảo Hân| 22/10/2018 22:35

(HNMO) - Một số ý kiến cho rằng, việc bố trí tăng lương cơ sở cao hơn so với các năm gần đây sẽ tạo áp lực và khó khăn hơn để giảm chi thường xuyên theo các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội...

(HNMO) - Báo cáo thẩm tra về dự toán chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 trong chiều 22-10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu một số ý kiến cho rằng, việc bố trí tăng lương cơ sở cao hơn so với các năm gần đây sẽ tạo áp lực và khó khăn hơn để giảm chi thường xuyên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải.


Về nguyên tắc chi NSNN trong năm tới, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lưu ý, cần ưu tiên bố trí chi cho các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia; chú trọng bố trí chi cho con người, bảo đảm thực hiện các chính sách đã ban hành.

Cơ cấu chi NSNN dự kiến bố trí đang có sự chuyển dịch tích cực. Cụ thể, đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư trong tổng chi NSNN. Sự chuyển biến của tỷ lệ này góp phần bảo đảm mục tiêu cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên theo Nghị quyết của Quốc hội. 

"Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc bố trí tăng lương cơ sở cao hơn so với các năm gần đây sẽ tạo áp lực và khó khăn hơn để giảm chi thường xuyên theo các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội" - ông Nguyễn Đức Hải nêu.

Trong chi thường xuyên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm; cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.

Trong 3 năm (2016-2018), việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi đối với người có công đã bảo đảm tăng bình quân khoảng 7%/năm. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý Chính phủ việc tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế mạnh mẽ và giảm chi đối với khu vực sự nghiệp công lập. Do đó, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhấn mạnh, Chính phủ cần tính toán kỹ về vấn đề này, việc điều chỉnh tiền lương cần đặt trong tổng thể cân đối NSNN bền vững và chắc chắn.

Về phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý vướng mắc trong chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2017, Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng 1.671 tỷ đồng trong 10.380 tỷ đồng nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2017 để bổ sung nguồn thực hiện cải cách tiền lương nhằm hỗ trợ một số địa phương xử lý số thiếu nguồn làm lương trong năm 2016, 2017.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng lương chưa đi đôi với tinh giản biên chế mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.