Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mức độ biến động của tỷ giá vẫn thấp

Hà Linh| 17/11/2018 08:01

(HNM) - Bài toán tỷ giá chưa bao giờ hết


Tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1,5%

Tỷ giá là một trong những biến số nhạy bén nhất với mọi biến động của nền kinh tế, không chỉ là nội tại nền kinh tế Việt Nam, mà còn chịu tác động mạnh từ những biến động của nền kinh tế thế giới. Từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã có bước đột phá lớn trong chính sách điều hành tỷ giá bằng việc đưa ra tỷ giá trung tâm, thay vì chính sách neo tỷ giá trong một biên độ nào đó như trong giai đoạn trước. Qua đó, tỷ giá và thị trường ngoại hối được điều hành nhịp nhàng và công cụ điều hành cũng mang tính thị trường hơn.

Nhờ chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, thị trường ngoại tệ luôn được kiểm soát ổn định. Ảnh: Mạnh Hà


Tính đến thời điểm này, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước tăng khoảng 1,5% so với đầu năm, trong khi đó tỷ giá tại các ngân hàng thương mại tăng 2,8%. Giá USD vượt 23.000 VND/USD. Riêng trong tháng 10, tỷ giá trung tâm đã được Ngân hàng Nhà nước nâng thêm 12 điểm (từ 22.714 VND/USD lên 22.726 VND/ USD), tương ứng với tỷ giá trần là 23.408 VND/USD. Mặc dù vậy, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại vẫn được duy trì ổn định ở mức 23.300 VND/USD (mua vào) - 23.390 VND/USD (bán ra); tỷ giá tự do dao động nhẹ quanh ngưỡng 23.450 VND/USD (mua vào) - 23.470 VND/USD (bán ra), thấp hơn so với mức giá bình quân cuối tháng 9.

Cũng trong tháng 10, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sau một thời gian tương đối bình ổn đã tăng mạnh lên hơn 4,5% ở tất cả các kỳ hạn. Có thời điểm, lãi suất qua đêm "leo" lên 4,533%/năm, trước khi hạ nhiệt về 4,4%/năm vào ngày cuối tháng. Trong bối cảnh đó, sự ổn định của lãi suất USD khiến cho chênh lệch lãi suất giữa USD và VND tiếp tục được dãn rộng lên mức 2,37%, qua đó làm giảm áp lực lên tỷ giá.

Nhiều yếu tố hỗ trợ tỷ giá

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối đã có cơ chế hiện đại, khoa học hơn và dự trữ ngoại hối cũng liên tiếp lập kỷ lục. Hiện nay, sức ép của "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam rất lớn, gây áp lực tới thị trường trong nước. Tuy nhiên, nhìn vào những biến động của tỷ giá trong thời gian vừa qua có thể thấy Ngân hàng Nhà nước đã làm khá tốt công tác điều hành chính sách tỷ giá.

Nếu xét về nguồn cung ngoại tệ hiện tại của hệ thống ngân hàng có thể thấy, nguồn cung này có thể lớn so với giai đoạn trước, nhưng lại không vững chắc. Dẫn chứng cho việc “thiếu vững chắc” được thể hiện ở nguồn ngoại tệ này phụ thuộc lớn vào các khoản vốn FDI. Trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế nước ta quá lớn, Ngân hàng Nhà nước đã lường trước được sự “không bền vững” của nguồn lực ngoại hối và đã có những động thái, những quyết định vào những thời điểm có lợi nhất nhằm tạo nên sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối trong thời gian qua.

Đáng chú ý, tỷ giá VND/USD được điều hành linh hoạt, trong khi các đồng tiền khác mất giá lớn 7-8%, nội tệ của Việt Nam chỉ mất giá khoảng 3%. Điều này cho thấy sự nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, hiện tại tỷ giá chịu nhiều áp lực từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, "cuộc chiến" thương mại Mỹ - Trung và trong nước áp lực lạm phát đang lớn dần khiến cho tỷ giá chịu áp lực rất lớn.

Những yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động thời gian qua là do chênh lệch lãi suất USD - VND nới rộng và Ngân hàng Nhà nước có những động thái kịp thời hỗ trợ tỷ giá. Ngoài ra, hỗ trợ cho tỷ giá ổn định còn bởi nguồn thu ngoại tệ vẫn khả quan khi cán cân thương mại nửa đầu tháng 10 thặng dư 40 triệu USD. Bên cạnh đó, vốn FDI giải ngân trong tháng 10 đạt 1,85 tỷ USD, nâng tổng vốn FDI đã giải ngân trong 10 tháng năm 2018 lên 15,1 tỷ USD, tăng 6,34% so với cùng kỳ năm trước. Dự trữ ngoại hối đã lên tới khoảng 60 tỷ USD tức tương đương 13 tuần nhập khẩu - là mức an toàn.

Những yếu tố trên tiếp tục tác động đến tỷ giá những ngày đầu tháng 11 khi các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm giá mua bán USD, giúp tỷ giá duy trì mặt bằng thấp hơn so với tháng 10. Đầu tháng 11, tỷ giá tại ngân hàng mua vào ở mức 23.270 - 23.280 VND/USD và bán ra mức 23.360 - 23.370 VND/USD, thấp hơn 30 đồng so với cuối tháng 10.

Dự báo về tỷ giá từ nay đến cuối năm, các chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ dao động quanh 23.400 VND vào cuối năm 2018. VND sẽ mất giá nhẹ trong đầu năm 2019 trước khi tăng giá so với đồng USD vào cuối năm 2019 nhờ sự hỗ trợ của các yếu tố tích cực ở cả trong nước lẫn ngoài nước.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn chủ động các phương án để điều hành tỷ giá và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cung - cầu thị trường có vấn đề, bảo đảm cho thị trường ngoại tệ được thông suốt. Trong điều kiện hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có các công cụ và phương án cần thiết để can thiệp thị trường ngoại tệ, kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mức độ biến động của tỷ giá vẫn thấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.