Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thái Lan buộc tài xế say xỉn phải làm việc trong nhà xác

Theo Tuổi trẻ| 12/04/2016 15:33

Chính phủ Thái Lan vừa công bố quy định phạt mới, buộc những người vi phạm luật giao thông khi say xỉn phải lao động công ích tại các nhà xác của bệnh viện.

Ước tính trong dịp lễ Songkran thường niên của Thái Lan, mỗi giờ lại có 2,3 người chết và 160 người bị thương do tai nạn đường bộ - Ảnh: Getty Images


Theo Guardian, với luật mới, chính quyền Thái Lan hi vọng sẽ thay đổi ý thức tham gia giao thông của những tài xế coi thường tính mạng bản thân và người khác khi họ phải đối diện trực tiếp với nỗi đau mất mát cả về thể chất lẫn tinh thần.

Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền Thái Lan nhằm giảm thiểu tình trạng vi phạm giao thông dẫn tới quá nhiều thương vong. Quốc gia này đứng thứ hai thế giới về số người tử vong do tai nạn giao thông.

Trong các dịp lễ hội Songkran thường niên tại Thái Lan, hàng ngàn người dân đổ ra đường bằng xe máy, thường là không đội mũ bảo hiểm. Họ rời các thành phố lớn để về quê, đoàn tụ cùng gia đình. Rượu là đồ uống quen thuộc trong dịp lễ lạt này.

Ước tính trong suốt dịp lễ thường niên còn được gọi tên là “Bảy ngày nguy hiểm” này, cứ mỗi giờ lại có hơn 2 người chết và 160 người khác bị thương do các tai nạn giao thông đường bộ.

Lo ngại tình hình có thể tồi tệ hơn, năm nay Chính phủ Thái Lan quyết tâm mạnh tay trong các biện pháp xử phạt. Hồi đầu năm, chính quyền công bố sẽ tịch thu ôtô của tất cả tài xế lái xe khi nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Quyết định về việc xử phạt lao động công ích trong nhà xác với lái xe say xỉn vừa được công bố tuần qua.

Theo đó, quan chức cảnh sát Kriangdej Jantarawong cho biết: “Những người vi phạm luật giao thông bị tòa kết án sẽ phải tới lao động công ích tại các nhà xác của bệnh viện”.

Cũng theo quan chức này: “Đó là cách thức để khiến những người vi phạm luật giao thông thấy sợ việc lái xe cẩu thả và lái xe trong khi say xỉn vì họ có thể rơi vào tình cảnh tương tự. Đây là biện pháp mang tính răn đe với mọi người”.

Ông Anurak Amornpetchsathaporn, quan chức phụ trách công tác cấp cứu tại Cục y tế cộng đồng, cho rằng một khoảng thời gian lao động công ích tại nhà xác sẽ mang lại những tác động rất khác so với các hình thức phạt khác như dọn dẹp công viên, thư viện đã từng áp dụng.

Ông nói: “Họ sẽ nhìn thấy những mất mát cả về thể chất và tinh thần. Tại nhà xác, họ sẽ phải dọn dẹp, vận chuyển các thi thể, vậy nên hi vọng là họ sẽ cảm nhận được nỗi đau, từ đó hiểu và có nhận thức tốt hơn, lái xe an toàn hơn”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thái Lan buộc tài xế say xỉn phải làm việc trong nhà xác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.