Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự chia rẽ đáng lo ngại

Minh Hiếu| 09/09/2017 07:17

(HNM) - Sự chia rẽ âm ỉ lâu nay giữa các quốc gia tại Lục địa già đã trở nên công khai, sâu sắc hơn khi mới đây, Tòa án Công lý Châu Âu (EJC) bác bỏ đơn khiếu kiện của Hungary và Slovakia về việc Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn, đồng thời buộc các nước này tuân thủ kế hoạch chung. Theo phán quyết, Hungary phải tiếp nhận 1.294 người, Slovakia phải tiếp nhận 802 người nếu không muốn chịu các biện pháp trừng phạt về kinh tế.

Các quốc gia Châu Âu khó đạt được sự đồng thuận trong giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư.


Phán quyết của EJC bác bỏ mọi hành động của Hungary và Slovakia nhằm chống lại cơ chế tái bố trí bắt buộc đối với người tị nạn. Ủy ban Châu Âu (EC) đã hành động đúng mực và có nền tảng luật pháp vững chắc khi áp dụng các biện pháp đối phó với “tình huống khẩn cấp gây ra bởi dòng người tị nạn đột ngột đổ về”. Tỷ lệ người tị nạn được tái định cư còn thấp do nhiều yếu tố, đặc biệt là sự thờ ơ và bất hợp tác của một số quốc gia thành viên.

Đây được coi là chiến thắng quan trọng của EU trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu san sẻ gánh nặng 120.000 người nhập cư giữa các thành viên của khối. Kế hoạch được đưa ra từ tháng 9-2015, giữa cao trào của cuộc khủng hoảng, khi mỗi ngày có tới hàng nghìn người tị nạn đặt chân tới bờ biển Châu Âu. Trong đó, Hy Lạp và Italia đã trở thành “tiền đồn” của làn sóng di cư ồ ạt từ Trung Đông, Bắc Phi.

Có thể thấy, phán quyết của EJC dù nghiêng về bên nào cũng là một thất bại to lớn đối với sự đoàn kết và thống nhất của EU. Ngay từ khi được nêu ra, kế hoạch phân bổ người nhập cư đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều nước Trung và Đông Âu. Ngoài Hungary, Slovakia, cả Romania, CH Séc và Ba Lan cũng đã bỏ phiếu chống lại các hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư bắt buộc. Tới tháng 7-2017, chỉ có gần 27.000 người được tái định cư theo kế hoạch. Hungary và Ba Lan thậm chí chưa tiếp nhận người tị nạn nào, trong khi CH Séc cũng từ chối việc này trong suốt hơn một năm qua, còn Slovakia chỉ chấp nhận số lượng người ít ỏi. Các nước này lập luận, đây là cơ chế vi phạm chủ quyền, gây áp lực cho nền kinh tế, đồng thời lo ngại người nhập cư mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan sẽ là mối đe dọa lớn đối với an ninh và ổn định quốc gia.

Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto đã lên tiếng chỉ trích quyết định của EJC hôm 6-9 vừa qua là “đáng kinh ngạc và vô trách nhiệm”, đe dọa an ninh, tương lai của toàn Châu Âu khi để các vấn đề chính trị gây ảnh hưởng tới luật lệ và giá trị của châu lục. Quan điểm của nước này là, chỉ có những nhà lãnh đạo quốc gia mới có quyền quyết định ai là người được phép đặt chân vào lãnh thổ Hungary. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng cho biết, nước này tôn trọng phán quyết của tòa án nhưng sẽ không thay đổi quan điểm và đấu tranh đến cùng.

Trước phản ứng trên, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cảnh báo các nước phản đối kế hoạch của khối sẽ mất đi sự hỗ trợ tài chính nhận được từ việc quản lý dòng chảy người nhập cư. Trong khi đó, Đại diện cấp cao của EU về nhập cư Dimitris Avramopoulos khẳng định, Hungary, CH Séc và Ba Lan sẽ phải đối mặt với các chế tài xử phạt theo quy định của khối nếu không thực thi nghĩa vụ của mình trong vài tuần tới. Italia cũng lên tiếng kêu gọi cắt giảm trợ cấp cho các nước không thể hiện nỗ lực trong việc tiếp nhận người tị nạn.

Theo các nhà phân tích, sức ép hiện hữu buộc các nhà lãnh đạo Châu Âu phải đưa ra những quyết sách có sức nặng hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai tại Lục địa già. Tuy vậy, đây sẽ là bài toán khó khi nó ảnh hưởng tới quyền lợi sát sườn của mỗi quốc gia thành viên, trong khi EU còn đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cấp bách khác như tiến trình Anh rời khỏi liên minh (Brexit), nguy cơ khủng bố...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự chia rẽ đáng lo ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.