Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Anh tổn thương vì Brexit

Quỳnh Dương| 25/11/2017 06:43

(HNM) - Trong lúc các cuộc đàm phán để rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) vẫn rối như tơ vò, nền kinh tế Anh đã phải hứng chịu nhiều hệ lụy nặng nề từ quyết định “dứt áo” rời khỏi ngôi nhà chung từng gắn bó hơn nửa thế kỷ.

Người Anh bắt đầu lo ngại Brexit tác động tiêu cực đến kinh tế đất nước.


Ngày 23-11, Văn phòng Trách nhiệm ngân sách thuộc Chính phủ Anh đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2017 từ 2% xuống còn 1,5%. Cơ quan này cũng dự báo, kinh tế Anh chỉ tăng 1,4% trong năm 2018 và tăng 1,3% trong năm 2019 và 2020. Cùng ngày, nước Anh chính thức tuyên bố không còn nằm trong danh sách 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong một bài phát biểu về ngân sách thu hút sự chú ý, Bộ trưởng Bộ Tài chính Philip Hammond thừa nhận, Anh đã "tụt hạng" xuống vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng 10 nền kinh tế mạnh nhất hành tinh. Hệ lụy này được cho là xuất phát từ lựa chọn rời khỏi EU.

Có nhiều cách khác nhau để đo quy mô của một nền kinh tế, nhưng Bộ Tài chính Anh đã sử dụng số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) làm cơ sở cho tuyên bố này. Dự báo của IMF cho thấy, Pháp sẽ vượt qua Anh về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2017. Khoảng cách về GDP giữa hai nước được dự báo sẽ nới rộng đáng kể trong năm 2018. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013 Pháp "qua mặt" Anh về quy mô nền kinh tế. Điều này phản ánh sự giảm tốc mạnh trong tăng trưởng của đảo quốc mù sương kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016.

Việc Anh tuột khỏi nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhường lại vị trí cho một nước EU được xem là một tin xấu nữa đối với những chính trị gia từng lập luận rằng nước Anh sẽ mạnh lên khi ra khỏi khối. Theo một số dự báo, kinh tế Anh còn cần nhiều động lực để tránh nguy cơ tiếp tục xuống hạng trong những năm tới. Gần đây nhất, Ủy ban Châu Âu (EC) cho rằng, nước Anh đang tăng trưởng thấp hơn so với hầu hết các nước EU, sẽ chỉ ở mức 1,1% trong năm 2019, nhỉnh hơn đôi chút so với Italia, song yếu hơn rất nhiều so với mức dự đoán tăng trưởng trung bình 1,9% của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Trong khi đó, Chính phủ Anh đang đối mặt với cáo buộc về việc từ chối công bố hơn 50 nghiên cứu “bí mật” về tác động của việc Anh rời khỏi EU. Ông David Davis, Bộ trưởng phụ trách Brexit đã xác nhận, bộ này đã thực hiện các nghiên cứu đối với hơn 50 ngành của nền kinh tế Anh. Thế nhưng, đến thời điểm này, các bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Theresa May vẫn từ chối công khai kết quả đầy đủ của các nghiên cứu trên, với lập luận một số thông tin có thể phá hỏng khả năng của Chính phủ trong việc đàm phán thỏa thuận tốt nhất cho nước Anh. Tuy nhiên, một số đảng đối lập lại cho rằng, lý do duy nhất khiến Chính phủ không cho công bố những nghiên cứu này là vì không muốn người dân lo ngại một Brexit cứng sẽ là một thảm họa đối với nền kinh tế.

Theo một cuộc thăm dò mới đây, có tới 60% người Anh nghi ngờ Thủ tướng T.May có thể đạt một thỏa thuận Brexit có lợi cho đất nước. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit ông Michel Barnier cảnh báo, London chỉ còn 2 tuần để đưa ra quyết định cuối cùng về "hóa đơn ly hôn" cần thanh toán với EU trước khi tiến tới các cuộc đàm phán thương mại tại Hội nghị Thượng đỉnh của khối vào tháng 12 tới. Nếu cuộc đối thoại này kéo dài, những bất lợi sẽ tiếp tục nghiêng về phía Anh, đặt nền kinh tế nước này đứng trước những rủi ro mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Anh tổn thương vì Brexit

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.