Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ sẽ cân nhắc gia nhập CPTPP sau khi hoàn thành các ưu tiên khác

Theo TTXVN/Tin tức| 22/03/2018 21:26

Phát biểu tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm chính thức tới Chile ngày 21-3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói nước này sẽ cân nhắc việc tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nay được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nếu hoàn thành các mục tiêu trong các quan hệ thương mại khác.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin. Ảnh: AFP/TTXVN


Ông Mnuchin nói, trọng tâm hiện nay của Mỹ là tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), quan hệ thương mại với Trung Quốc và khi đạt được các mục tiêu đề ra trong các quan hệ thương mại này, TPP rõ ràng sẽ được cân nhắc. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Chile Felipe Larrain nói quốc gia Nam Mỹ này sẽ rất hoan nghênh việc Mỹ tham gia TPP trở lại.

TPP có mục tiêu cắt giảm các hàng rào thương mại ở một số nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất ở Châu Á-Thái Bình Dương. Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi TPP, các nước còn lại đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới là CPTPP.

Ngày 8-3 (sáng sớm 9-3 theo giờ Hà Nội), tại thủ đô Santiago de Chile, 11 quốc gia còn lại đã chính thức ký kết CPTPP. Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so với phiên bản gốc với 8.000 trang và chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan tới sở hữu trí tuệ, nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên.

Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của công dân các quốc gia thành viên. Cam kết mở cửa thị trường, CPTPP là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới, cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia tham gia.

Hiệp định tự do thương mại đầy tham vọng CPTPP sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, với một thị trường 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới. Năm 2016, trao đổi thương mại giữa 11 nước tham gia CPTPP lên đến 356 tỷ USD.

Trong khi đó, ngày 22-3, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Thái Lan, Somkid Jatusripitak, nói rằng, nước này cần phải gia nhập CPTPP cũng như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để bảo vệ lợi ích thương mại.

Ông Somkid nói rằng, nếu Thái Lan không tham gia CPTPP thì nước này sẽ đánh mất các cơ hội thương mại và đầu tư trong khi Việt Nam, với tư cách là thành viên sáng lập CPTPP sẽ hưởng lợi. Ông cho biết, Bộ Thương mại Thái Lan hiện đang nghiên cứu các mặt thuận lợi và khó khăn đối với Thái Lan nếu tham gia thỏa thuận tự do thương mại này.

Hồi đầu tháng 3, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Sontirat Sontijirawong cho biết, chính phủ nước này sẽ triệu tập một cuộc họp của các bên liên quan để đưa ra quyết định về việc có gia nhập CPTPP hay không.

Trước đó, Viện Nghiên cứu và Phát triển Thái Lan (TDRI) cũng ước tính rằng việc gia nhập RCEP sẽ giúp GDP của Thái Lan tăng tới 4,03% trong khi các ngành sản xuất như chế biến thực phẩm, rau quả và thiết bị điện tử của nước này sẽ được hưởng lợi khá lớn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỹ sẽ cân nhắc gia nhập CPTPP sau khi hoàn thành các ưu tiên khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.